“Ông Các Mác nói rằng: "Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào?".
Ông Lênin nói: "Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công".
Những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia. Cách mệnh Pháp có những người như cô học trò Sáclốt Coócđây rút dao đâm chết người tể tướng hung bạo, như bà Luy Misen ra giúp tổ chức Pari Công xã. Khi Nga cách mệnh, đàn bà ra tình nguyện đi lính; sau tính lại lính cách mệnh đàn bà chết hết 1.854 người. Nay cách mệnh Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế, cũng vì đàn bà con gái hết sức giùm vào. Vậy nên muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước.
...An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ quốc tế chỉ bảo”.
Phụ nữ quốc tế,
Hồ Chí Minh Toàn tập,
NXB Chính trị quốc gia, H. 2009, tập 2, trang 288 -289
“Bà Trưng Trắc người nước ta sinh ra thế kỷ đầu hết là năm 23 ở huyện Mê Linh, tỉnh Phúc Yên, xứ Bắc Kỳ. Năm thứ 40 bà vừa 17 tuổi. Lúc ấy nước ta bị quân Tàu cai trị, chính sách rất bạo ngược như Pháp cai trị bây giờ. Bà thấy cảnh nước suy vi, đồng bào khốn khổ, bèn quên thân bồ liễu phận hèn, liền ra cứu nước, cứu dân. Lúc bấy giờ cùng với em là Trưng Nhì khởi binh lên đánh giặc. Dân Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều ảnh hưởng nổi lên cả. Chẳng bao lâu đánh đuổi ngay Tô Định, lấy được 65 thành, dựng lên cờ độc lập. Đến năm 44, nhà Hán sai Mã Viện sang đánh, đánh đã nhiều trận, quân hai Bà vẫn không thua. Đến trận ở Cấm Khê, tỉnh Vĩnh Yên, thế quân ít quá, phải thua, hai Bà đều gieo mình xuống sông Đáy tự tận. Can đảm thay! Phận thuyền quyên vì nước quên mình! Tuy chỉ trong 3, 4 năm nhưng cũng đủ làm cho bọn tu mi quân giặc mất vía.
Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà, con gái còn biết K.m. Huống chi bây giờ hai chữ "nữ quyền" đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại!
Bà Trưng Trắc,
Hồ Chí Minh Toàn tập,
NXB Chính trị quốc gia, H. 2009, tập 2, trang 457
“Ngày Phụ nữ quốc tế năm nay có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt: Trên thế giới thì lực lượng hoà bình phát triển ngày càng mạnh. Trong nước thì phong trào thi đua xây dựng ngày càng lên cao.
Dưới chế độ Việt Nam Dân chủ cộng hoà, phụ nữ ta đã được bình quyền về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Cho nên trong cuộc kháng chiến vĩ đại vừa qua, cũng như trong công việc xây dựng từ ngày hòa bình trở lại, phụ nữ ta đã góp phần xứng đáng.
Phụ nữ ta có nhiều thành tích to, nhưng phụ vận ta còn có thiếu sót: ít chú ý vận động gia đình các cán bộ và các nhà thủ công nghiệp, gia đình các nhà công thương và các chị em nội trợ. Kinh nghiệm của phụ vận Trung Quốc chứng tỏ rằng: khéo vận động, tổ chức và hướng dẫn, thì những chị em phụ nữ ấy có tác dụng lớn đối với xã hội. Cách làm của phụ vận Trung Quốc giản đơn, thiết thực và kết quả to, gọi là "5 tốt":
- Gia đình và xóm giềng đoàn kết và giúp đỡ nhau tốt,
- Sinh hoạt và công việc trong nhà sắp đặt tốt,
- Giáo dục con em tốt,
- Khuyến khích chồng con, anh em sản xuất, công tác và học tập tốt,
- Tự mình học tập tốt.
Phụ vận ta nên cố gắng thực hiện kinh nghiệm ấy”.
Để kỷ niệm ngày 8-3 một cách thiết thực và xứng đáng, chúng ta cần động viên:
Chị em phụ nữ nông thôn THI ĐUA góp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và lập những tổ đổi công tốt.
Chị em công nhân và công chức THI ĐUA làm trọn nhiệm vụ của mình.
Chị em trí thức THI ĐUA góp phần vào việc phát triển văn hoá.
Nữ thanh niên tuỳ theo cương vị của mình, THI ĐUA học và hành, xung phong trong mọi công việc.
Mọi chị em, mọi giới phụ nữ đều thi đua góp sức hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1956, đều hăng hái tham gia công cuộc củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam, để xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đồng thời, phụ nữ ta cần đoàn kết với chị em các nước bạn và phụ nữ dân chủ các nước khác để giữ gìn hoà bình thế giới và xây dựng hạnh phúc cho cả loài người. Đó là trách nhiệm rất vẻ vang của phụ nữ Việt Nam ta!”.
Chúc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3,
Hồ Chí Minh Toàn tập,
NXB Chính trị quốc gia, H. 1996, tập 8, trang 132 -133
“Từ nay, đảng bộ, chính quyền và đoàn thể quần chúng (trước hết là đoàn thể phụ nữ và thanh niên) cần phải ra sức tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình sâu rộng hơn nữa và phải chấp hành thật nghiêm chỉnh. Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự bảo đảm. Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình”.
Phải thật sự đảm bảo quyền lợi của phụ nữ,
Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, NXB Chính trị quốc gia, tr. 661 – 662
“Nhân dịp này, Bác muốn nhắc lại rằng: phụ nữ các dân tộc miền núi đã có công ủng hộ cách mạng và đóng góp cho kháng chiến rất nhiều. Hôm nay, Bác muốn dặn dò chị em miền núi mấy điều sau đây:
1. Pháp luật của Nhà nước ta đã quy định đàn bà cũng có mọi quyền lợi như đàn ông. Để thực hiện thật sự bình quyền, phụ nữ phải ra sức phấn đấu.
[...]
2. Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Để xứng đáng là người chủ thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Tổ chức và phát triển hợp tác xã cho tốt. Làm cho gia đình ngày càng no ấm, làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.
3. Phụ nữ cần phải xung phong trong việc xây dựngđời sống mới. Ở miền núi đang còn những phong tục không tốt do bọn phong kiến để lại, như: ma chay, cúng bái rất tốn kém. Cưới vợ, gả chồng quá sớm. Vệ sinh phòng bệnh, v.v... còn kém. Đó là những mê tín và hủ tục nên xóa bỏ, để xây dựng mỹ tục thuần phong.
4. Đoàn kết là sức mạnh. Đồng bào miền núi, trước hết là chị em phụ nữ, cần phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Đoàn kết giữa dân tộc mình, đoàn kết giữa các dân tộc. Đoàn kết với đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi. Tất cả các dân tộc miền núi và miền xuôi phải đoàn kết như anh em, chị em trong một nhà, cùng nhau ra sức xây dựng miền Bắc giàu mạnh và ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ Việt gian.
Một việc rất quan trọng nữa là: toàn thể đồng bào miền núi phải nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn trật tự trị an, luôn luôn sẵn sàng tiêu diệt bọn biệt kích, ngăn chặn bọn phản cách mạng âm mưu phá hoại.
5. Để làm tốt những việc nói trên, chị em phải cố gắng học tập. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được. Hiện nay đã có phụ nữ miền núi làm thày giáo, làm bác sĩ, làm cán bộ kỹ thuật, đội trưởng dân quân, v.v.. Tất cả phụ nữ trong huyện Đà Bắc ở tỉnh Hoà Bình đã xoá xong nạn mù chữ. Đó là những gương mẫu có quyết tâm thì thành công. Bác chờ để khen thưởng những chị em có thành tích xuất sắc nhất.
6. Đảng uỷ các cấp ở miền núi cần phải ra sức phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ, cần phải đào tạo và giúp đỡ cán bộ phụ nữ các dân tộc. Đó là nhiệm vụ mà Trung ương và Bác giao cho các đồng chí phải làm cho tốt”.
Bài nói tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi,
Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 11, NXB Chính trị quốc gia, tr. 215 – 216
“Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Di chúc
Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia, tr. 510
“8-3 là ngày phụ nữ Quốc tế. Để chúc mừng ngày vẻ vang ấy, đoàn thể phụ nữ ta cần:
- Động viên toàn thể phụ nữ hăng hái góp phần vào cuộc đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.
- Động viên toàn thể phụ nữ nhiệt liệt ủng hộ các chính sách của Đảng và của Chính phủ, ra sức góp phần vào công cuộc khôi phục kinh tế nước nhà. Muốn đạt mục đích ấy thì phụ nữ các tầng lớp phải đoàn kết chặt chẽ, cố gắng học tập, nâng cao giác ngộ chính trị, yêu chuộng lao động, quý trọng của công, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Ngoài những việc đó, phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia vận động giảm tô và cải cách ruộng đất.
- Động viên toàn thể phụ nữ tham gia các công tác văn hoá xã hội, như bình dân học vụ, phòng đói, cứu đói, phổ biến vệ sinh, bảo vệ nhi đồng, v.v...
- Động viên toàn thể phụ nữ sôi nổi hưởng ứng phong trào lấy chữ ký chống bom nguyên tử, chống đế quốc Mỹ can thiệp vào nước ta và âm mưu gây chiến.
Đó là cách rất thiết thực để chúc mừng ngày vẻ vang của phụ nữ quốc tế”.
8 tháng 3.
Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.489
“1. Vấn đề đoàn kết - Phụ nữ ta cần phải đoàn kết chặt chẽ chị em các dân tộc, lao động chân tay và lao động trí óc, phụ nữ miền Bắc và miền Nam. Cần đoàn kết với phụ nữ các nước phe ta và phụ nữ tiến bộ thế giới, để đấu tranh cho mục đích chung là hoà bình thế giới và chủ nghĩa xã hội.
2. Trách nhiệm làm chủ - Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hoá, kỹ thuật.
3. Vấn đề chăm nom các cháu bé - Muốn cho người mẹ sản xuất tốt thì cần tổ chức tốt những nơi gửi trẻ và những lớp mẫu giáo. Hiện nay có một số cơ quan, xí nghiệp và địa phương đã làm được khá tốt. Hội Phụ nữ cần phải phổ biến những kinh nghiệm đó và giúp đỡ chị em các nơi khác tổ chức cho tốt.
Chúng ta phải hết sức quan tâm đến thế hệ cộng sản mai sau của chúng ta. Ngoài ra, nên cố gắng tổ chức những nhà ăn công cộng cho tốt để giải phóng phụ nữ ra khỏi bếp núc.
4. Về Luật Hôn nhân và gia đình - Hiện nay vẫn còn nhiều người và nhiều nơi làm trái luật ấy. Vài ví dụ:
- Nhiều người còn ngược đãi vợ và ép uổng duyên con.
- Những phần tử xấu lợi dụng tôn giáo để phá hoại quyền hôn nhân tự do.
Gặp những vụ phá hoại pháp luật như vậy, chính quyền, chi bộ và Đoàn thanh niên đã đối phó thế nào? Trước hết là đoàn thể phụ nữ đã đối phó thế nào?
Từ nay, đối với nhân dân, chúng ta cần phải tuyên truyền rộng khắp và bền bỉ giáo dục; đồng thời đối với những kẻ phạm pháp thì phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm khắc.
5. Về cán bộ lãnh đạo - Cán bộ đã cố gắng còn phải cố gắng hơn nữa, đoàn kết nội bộ chặt chẽ hơn nữa, chịu khó học tập hơn nữa, đi sâu đi sát hơn nữa trong các ngành sản xuất, thông cảm sâu sắc hơn nữa với quần chúng và ra sức giúp đỡ chị em giải quyết những thắc mắc, những khó khăn, phải làm gương mẫu.
Anh em cán bộ các cấp, các ngành thì cần hết lòng giúp đỡ chị em tiến bộ về mọi mặt.
Các đồng chí làm được như vậy, thì phong trào phụ nữ nhất định không ngừng lên cao.
Phụ nữ ta sẵn có truyền thống cần cù và anh dũng, quyết tâm học thì nhất định học thành công.
[...] Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta”.
Bài nói chuyện tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần III, ngày 9-3-1961
Báo Nhân dân, số 2546, ngày 10-3-1961,
Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 296 - 297
“Vài lời phê bình thanh niên: Trong tổ chức thanh niên vẫn còn giữ một xu hướng chật hẹp, không bao bọc được nhiều giai tầng, không kéo được đại đa số thanh niên. Chẳng hạn như trong tổ chức còn phân ra nam nữ, không giúp đỡ cho các chị em nữ thanh niên phát triển, số phụ nữ cũng phải ngang bằng số đàn ông, vậy mà gạt các chị em ra ngoài, tổ chức thanh niên có khác gì đi có một chân”.
Bài nói chuyện tại Đại hội thanh niên cứu quốc toàn xứ, ngày 25-11-1945
Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 106
“Nghe nói các cháu ở đây có nhiều cháu thường hay bắt chước cái xấu hơn là cái tốt, ra đường thì huênh hoang làm bậy, không nghe lời cha mẹ, không có kỷ luật phép tắc, như thế là không tốt, không xứng đáng là cháu Bác Hồ. Đó là khuyết điểm của các cháu một phần, có thể nói là một phần nhỏ, nhưng khuyết điểm là ở các cô, các chú, tất cả của người lớn, của xã hội là chính, bởi vì tổ chức của nhi đồng Đảng đã giao cho thanh niên, phụ nữ mà thanh niên, phụ nữ không làm tròn nhiệm vụ của mình, rồi đến khuyết điểm của thầy giáo, trường học và khuyết điểm của bố mẹ không biết làm gương mẫu giáo dục các cháu. Không biết rằng các cháu là người chủ tương lai của xã hội, bây giờ các cháu tốt thì sau này nó cũng tốt, bây giờ xấu thì sau này cũng xấu.
Muốn cho các cháu tốt thì phải giáo dục, tổ chức các cháu. Muốn làm được như thế thì thanh niên, phụ nữ, thầy giáo, gia đình phải liên lạc chặt chẽ với nhau, tìm cách giáo dục, sửa chữa cho các cháu thì nhất định các cháu tốt. Đây là một điểm các cô, các chú cần phải lưu ý”.
Bài nói chuyện nhân dịp về thăm khu Mỏ, ngày 4-10-1957
Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 8, tr 516
“Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”.
Nói chuyện tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, ngày 1-8-1960.
Báo Nhân dân, số 2327, ngày 2-8-1960,
Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 184 - 185
“Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hăng hái mà còn làm rất tốt. Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam, có đúng như thế không?
Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ. Các cô, nhất là các cô ở huyện, phải đấu tranh mạnh. Vì các cô mà không đấu tranh thì những đồng chí nam có thành kiến với phụ nữ sẽ không tích cực sửa chữa”.
Bài nói chuyện tại Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện,
Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 208
PHỤ NỮ
Việt Nam phụ nữ đời đời,
Nhiều người vì nước, vì nòi hy sinh.
Ngàn thu rạng tiếng bà Trưng,
Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng.
Bà Triệu Ẩu thật anh hùng,
Cưỡi voi đánh giặc, vẫy vùng bốn phương.
Mấy năm cách mệnh khẩn trương,
Chị em phụ nữ thường thường tham gia.
Mấy phen tranh đấu xông pha,
Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?
Kìa như chị Nguyễn Minh Khai,
Bị làm án tử đến hai ba lần.
Bây giờ cơ hội đã gần,
Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân nước nhà.
Chị em cả trẻ đến già,
Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.
Đua nhau vào hội Việt Minh,
Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.
Làm cho thiên hạ biết tên,
Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng”.
Báo Việt Nam độc lập, số 104, ngày 1-9-1941,
Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 3, trang 202
Năm mới Bính Tuất
Phụ nữ đồng bào
Phải gắng làm sao
Gây "Đời sống mới"
Việc thành là bởi
Chúng ta siêng mần
Vậy nên chữ cần
Ta thực hành trước
Lại phải kiệm ước
Bỏ thói xa hoa
Tiền của dư ra
Đem làm việc nghĩa
Thấy của bất nghĩa
Ta chớ tham tàn
Thế tức là liêm
Đã liêm thì khiết
Giữ mình làm việc
Quảng đại công bình
Vì nước quên mình
Thế tức là chính
Cần, kiệm, liêm, chính
Giữ được vẹn mười
Tức là những người
Sống "Đời sống mới".
Thư gửi phụ nữ Việt Nam Nhân dịp xuân Bính Tuất (1946)
Báo Tiếng gọi phụ nữ, số Xuân Bính Tuất, năm 1946,
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 390 – 391
“Chị em phụ nữ cố gắng thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc. Phụ nữ công nhân cần tích cực tham gia quản lý thật tốt nhà máy, công trường. Phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia phong trào đổi công, hợp tác, gặt tốt vụ mùa, chuẩn bị tốt vụ chiêm năm tới. Các tầng lớp phụ nữ ở thành phố cần chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ. Chị em làm nghề buôn bán cần giữ đức tính thật thà, đúng đắn, bài trừ tệ "mua rẻ, bán đắt", tệ "mặc cả, nói thách". Chị em phụ nữ phải hết sức chăm lo bảo vệ sức khoẻ của con cái, vì thiếu nhi là tương lai của dân tộc”.
Lời căn dặn chị em phụ nữ thủ đô, nói tại Hội nghị phụ nữ lao động tích cực lần thứ nhất của Hà Nội ngày 18-10-1958.
Báo Nhân dân, số 1680, ngày 19-10-1958,
Hồ Chí Minh. Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 238
“Thân ái gửi chị em trong nước và chị em kiều bào ở ngoài nước,
Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến. Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế giúp phụ nữ Việt Nam bồi dưỡng truyền thống ấy, hăng hái đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà và là một lực lượng trong Quốc tế phụ nữ...
[...] Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng.
Nhiều bà cụ ngoài bảy tám mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu.
Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em giúp thương binh đã hoà lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành một mối yêu thương không bờ bến, mà giúp đỡ chiến sĩ và săn sóc thương binh như con em ruột thịt của mình.
Nói chung là phụ nữ ở vùng tạm bị chiếm, nói riêng là các nữ du kích, không quản khó nhọc nguy hiểm, ra sức giúp đỡ chiến sĩ và cán bộ, hăng hái đấu tranh chống quân thù.
Hàng vạn phụ nữ Kinh, Thổ, Nùng, Mán, Mèo xung phong tham gia dân công, không quản trèo đèo lội suối, ăn gió nằm sương.
Phụ nữ ở xí nghiệp, ở nông thôn, ở cơ quan hăng hái tham gia thi đua ái quốc, thành tích không kém đàn ông.
Trong phong trào phát triển bình dân học vụ, phụ nữ chiếm một phần lớn trong số người dạy cũng như trong số người học.
Nhiều chị em tiểu tư sản, trước kia quen đời sống phong lưu, nay cũng chịu khó làm lụng, tăng gia sản xuất. Đó là một sự cải tạo lớn, một tiến bộ lớn về tư tưởng và tinh thần.
Tôi rất vui lòng thấy rằng trong mọi ngành hoạt động, các cháu nữ thanh niên đều xung phong, đều có thành tích khá.
Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ.
Các cấp lãnh đạo đi sát hơn, thiết thực hơn, thì phong trào phụ nữ chắc rộng hơn, mạnh hơn nữa.
Nhiệm vụ chính của phụ nữ ta ngày nay là:
- Thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ trong nước, giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước bạn cùng phụ nữ dân chủ thế giới.
- Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu.
- Hăng hái tham gia chính quyền.
- Giúp đỡ bộ đội.
- Bảo vệ nhi đồng.
Phụ nữ trong vùng tạm bị chiếm thì ra sức chống địch bắt chồng con, anh em đi lính, phá mưu mô địch dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.
- Chị em kiều bào ở nước ngoài thì ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào trong nước về mọi mặt.
Chúc toàn thể phụ nữ tiến bộ và thành công nhiều”.
Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và Ngày quốc tế phụ nữ.
Báo Nhân dân, số 49, ngày 13-3-1952,
Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 431
“Cán bộ phụ nữ đi vận động, có cô vận động khéo, đến đâu dân làm gì, mình làm nấy thân thiết như người nhà, thì có thành tích. Cô nào không hòa lẫn được với nhân dân, vẫn giữ thói quen thành phố, thì vận động không thành công”.
Bài nói tại Hội nghị cán bộ liên hiệp phụ nữ toàn quốc về vấn đề phát động quần chúng nông dân, 3-1953
Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 57
“Chế độ thực dân phong kiến nó coi khinh phụ nữ. Từ ngày ta tiếp quản, phụ nữ đã được chú ý cất nhắc. Trong các ban quản đốc đã có hai phụ nữ. Đó là tốt, nhưng còn ít, chưa đủ. Phải cất nhắc nhiều hơn nữa. Ở các nước bạn ta như Liên Xô, Trung Quốc thường thường giám đốc là phụ nữ vì nhà máy dệt thuộc về công nghiệp nhẹ. Bây giờ phụ nữ ta có dám làm như thế không? Cố học thêm thì làm được, nhưng giao cho các cô ngay, chắc chưa làm được đâu. Nay nước ta đã được độc lập, nam nữ được bình quyền, việc lớn,việc nhỏ đều cần cất nhắc phụ nữ, nên phụ nữ phải cố gắng. Khi tiến bộ thì làm được, thế thì cố mà làm.
[...] Có cất nhắc cán bộ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên”.
Nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy dệt Nam Định,
ngày 24/4/2957,
Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 336, 340
... “Nữ thanh niên cần phải gương mẫu, làm đầu tàu, ra sức thi đua với nam giới. Trong vấn đề luyến ái nên chính đáng, trong sạch, chớ mơ mộng, ảnh hưởng không tốt đến công tác, học tập. Cần chống các tập quán cũ như tảo hôn, cưới xin xa xỉ. Đảng, Chính phủ, Đoàn thanh niên sẵn sàng giúp đỡ nữ thanh niên tiến bộ, nhưng bản thân các cháu phải tiến bộ trước”.
Lời căn dặn của Bác tại Hội nghị nữ thanh niên tích cực thành phố Hà Nội, ngày 11-10-1958.
Báo Thủ đô ngày 12-10-1958
“Từ ngày thành lập, Quốc tế phụ nữ là một lực lượng mạnh mẽ đấu tranh cho công cuộc giữ gìn hoà bình, giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước.
Từ ngày hoà bình trở lại, nước ta tạm bị chia cắt làm hai miền. Chị em miền Nam đang bền bỉ đấu tranh chống ách thống trị dã man của Mỹ - Diệm. Ở miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chị em phụ nữ đều phấn khởi thi đua tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, công tác và học tập đều tiến bộ khá.
Dưới sự lãnh đạo ân cần của Đảng, phụ nữ ta cần phải:
- Cố gắng học tập chính trị, học tập văn hoá, kỹ thuật.
- Nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa.
- Hăng hái thi đua thực hiện "cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình".
- Đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hoà bình thế giới.
Là con cháu xứng đáng của Bà Trưng, Bà Triệu, chắc các cô sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang ấy”.
Thư gửi Phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc tế phụ nữ (1960), Báo Nhân dân, số 2181, ngày 8-3-1960,
Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 85 – 86
“Có so sánh hoàn cảnh phụ nữ ta bây giờ và hoàn cảnh phụ nữ ta trước khi giải phóng, chúng ta mới thấy rõ, từ ngày nước ta được giải phóng đến nay, phụ nữ đều tiến bộ rõ về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng một trong những tiến bộ rõ rệt nhất là phụ nữ ta hiện nay tham gia chính quyền ngày càng nhiều. Thời kỳ thuộc Pháp, phụ nữ ta làm gì được tham gia chính quyền. Nhưng đến nay, số phụ nữ hiện công tác ở các cơ quan trung ương đã có trên 5.000 người, ở huyện, xã có hơn 16.000 người và các tỉnh có hơn 330 người, đặc biệt trong Quốc hội khoá II này có 53 đại biểu phụ nữ.
Phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa. Hiện nay phụ nữ đã có người gánh vác những trách nhiệm nặng như làm thẩm phán, chánh án, giám đốc, v.v.. Số cháu gái trước kia đi học ít, nay ở các trường trung học, đại học và các cháu đi học ở nước ngoài ngày càng nhiều. Điều đó chứng tỏ Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất xem trọng vai trò phụ nữ và đó cũng là một thắng lợi của nhân dân ta. Tuy vậy cũng có một số người chưa thấy rõ vai trò của phụ nữ hiện nay cũng như sau này, nên còn tư tưởng xem thường khả năng của phụ nữ. Công tác chúng ta ngày càng tiến lên càng đòi hỏi nhiều về mặt kỹ thuật khoa học văn hoá, nhưng trình độ phụ nữ ta còn kém. Đó là một nhược điểm. Từ nay, các cấp đảng, chính quyền địa phương khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa”.
Nói chuyện tại Hội nghị các Đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc,
Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.184 - 185
“Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ.
Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.
Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, phụ nữ đã thật sự làm chủ Nhà nước.
Mấy việc trên đây, chứng tỏ rằng phụ nữ ta rất giỏi.
Bây giờ, Bác xin phép nêu vài ý kiến về phong trào thi đua "năm tốt".
Điều thứ một trong phong trào là "đoàn kết, sản xuất và tiết kiệm tốt". Điều đó rất đúng. Đoàn kết là sức mạnh. Đoàn kết tốt thì việc to lớn mấy, khó khăn mấy cũng làm được.
Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc.
Điều thứ năm trong phong trào "Năm tốt" là "xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái tốt". Điều này cũng đúng, nhưng cần giải thích thêm. Gia đình có nghĩa cũ và nghĩamới, nghĩa hẹp và nghĩa rộng.
"Gia" là nhà. "Đình" là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt.
Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ, những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng ra nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một đại gia đình. Ta có câu hát:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Rộng hơn nữa, chúng ta có đại gia đình xã hội chủ nghĩa:
Lọ là thân thích ruột rà,
Công nông thế giới đều là anh em.
Đã là đại gia đình, thì sự săn sóc dạy dỗ cũng không chỉ nhằm làm cho con cháu mình khỏe và ngoan, mà phải cố gắng giúp đỡ cho tất cả các cháu đều ngoan và khỏe. Về việc này chúng ta có những người gương mẫu như cụ Lê Thị Hoan. Cụ Hoan đã có công giáo dục mấy chục cháu xấu trở thành những cháu tốt. Nếu tất cả chị em phụ nữ ta đều cố gắng làm được như cụ Hoan thì chắc rằng con cháu chúng ta sẽ đều ngoan và tốt.
Sau đây là mấy điều cần chú ý:
1. Phong trào "Năm tốt" phải kết hợp chặt chẽ với phong trào thi đua yêu nước, với ba cuộc vận động lớn là cuộc vận động "3 xây, 3 chống", cuộc vận động "cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp" và cuộc vận động "đồng bào miền xuôi đi phát triển kinh tế và văn hóa miền núi".
2. Phong trào "Năm tốt" phải tùy điều kiện từng nơi, từng vùng mà áp dụng cho thiết thực. Ở thành thị có khác với ở nông thôn, ở miền xuôi không giống hệt miền núi.Cần phải giúp đỡ chị em miền núi phấn khởi tham gia phong trào này.
3. Đến nay, có độ năm vạn chị em được bầu là phụ nữ "Năm tốt", năm vạn người trong cả miền Bắc, như thế là chưa nhiều, cần phải cố gắng đẩy mạnh phong trào hơn nữa. Muốn phong trào lên mạnh thì cán bộ phụ nữ phải làm gương mẫu. Nhưng nghe nói cán bộ của phụ nữ và phụ nữ của cán bộ còn ít tham gia phong trào. Hiện tượng ấy cần phải được sửa đổi.
4. Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập. Có như thế thì phong trào "Năm tốt" sẽ ngày càng lan rộng, ăn sâu và sẽ thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng.
5. Đảng bộ và chính quyền của các địa phương cần thiết thực giúp đỡ cho phong trào "Năm tốt" không ngừng tiến lên, để phụ nữ đóng góp phần xứng đáng vào việc thực hiện kế hoạch của Nhà nước.
Trên đây là mấy ý kiến tóm tắt để các cô tham khảo.
Chúc Đại hội thành công”.
Bài nói tại Đại hội liên hoan Phụ nữ “năm tốt”, ngày 30-4-1964
Báo Nhân dân, số 3685, ngày 1-5-1964,
Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 11, tr. 260 - 261
“Hội phụ nữ mới 20 tuổi. Nhưng truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam ta đã có gần 2.000 năm và ngày càng phát triển.
Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh".
Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta. Trong thời kỳ cách mạng hoạt động bí mật và trong những năm kháng chiến chống bọn thực dân Pháp và lũ can thiệp Mỹ, phụ nữ ta đều có công lao to lớn. Gương anh dũng của đồng chí Minh Khai và của cháu Võ Thị Sáu luôn luôn sáng ngời để cho phụ nữ ta học tập.
Trong cuộc chống Mỹ, cứu nước hiện nay, các bà mẹ chiến sĩ đã khuyến khích con cháu mình vào bộ đội đánh giặc, cứu nước, còn ân cần nuôi nấng, giúp đỡ và bảo vệ cán bộ và chiến sĩ khác như con cháu mình...
Nước ta tự hào có hàng ngàn, hàng vạn bà mẹ quý báu như vậy.
Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là "đội quân tóc dài". Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta.
Phong trào "Năm tốt" của phụ nữ miền Nam, phong trào "Ba đảm đang" của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân.
[...] Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo, làm giám đốc và phó giám đốc các xí nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, chủ tịch ủy ban hành chính, bí thư chi bộ đảng, v.v.
Trong phong trào thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, nhiều cháu thanh niên gái đã nêu gương dũng cảm trong sản xuất và chiến đấu...
Theo gương các bà, các mẹ và các chị anh hùng, nhiều cháu thiếu niên và nhi đồng gái cũng rất ngoan.
[...] Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng.
Hiện nay, giặc Mỹ đang thua to. Càng thua to, chúng càng liều lĩnh mở rộng chiến tranh ở miền Nam, càng điên cuồng bắn phá ở miền Bắc. Bác mong phụ nữ ta ra sức phát huy hơn nữa truyền thống dũng cảm và đảm đang, cùng toàn quân và toàn dân ta bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn...
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, ngày 19-10-1966, Băng ghi âm lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.
Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 148-150
PHẦN II
MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG
VỀ GIÁO DỤC PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC PHỤ NỮ
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi quan trọng, lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công Cách mạng tháng Tám, xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân, giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ; thực hiện thắng lợi sự nghiệp Đổi mới… Để đạt được những thành công đó là do Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.
Quán triệt sâu sắc Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, một mặt, Đảng ta đề cao quan điểm lấy phục vụ con người làm mục đích, tức là "tất cả vì con người". Mặt khác, lấy việc phát huy sức mạnh của con người làm động lực chủ yếu để xây dựng thành công CNXH, tức là "tất cả do con người". Chính vì vậy, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH thông qua tại Đại hội lần thứ VII (tháng 6-1991), Đảng đã đặt vấn đề con người là một trong sáu đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng đó là “con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”.
Quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng con người được phát triển và hoàn thiện dần trong thời kỳ Đổi mới - thời kỳ mà toàn Đảng, toàn dân đang ra sức thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đó là những quan điểm vừa khái quát, vừa cụ thể về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện như định hướng mà Cương lĩnh 1991 đã nêu. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần IX (tháng 2001), Đảng đã khẳng định rõ: “Để đáp ứng yêu cầu về con người và nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cần tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo.
Bồi dưỡng thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương, gia đình và tự tôn dân tộc, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lòng nhân ái, ý thức tôn trọng pháp luật, tinh thần hiếu học, chí tiến thủ lập nghiệp, không cam chịu nghèo hèn. Đào tạo lớp người lao động có kiến thức cơ bản, làm chủ kỹ năng nghề nghiệp, quan tâm hiệu quả thiết thực, nhạy cảm với cái mới, có ý thức vươn lên về khoa học và công nghệ…”[1]
Đến Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.
Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Đơn vị sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu phải là môi trường rèn luyện phong cách làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất và hiệu quả cao, bồi đắp tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người và nền văn hoá Việt Nam”[2] .
Để xây dựng, phát triển con người Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nêu lên một số quan điểm cụ thể như sau:
Thứ nhất, khẳng định con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.
Như vậy, Đảng ta xem con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển lên trước việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với lợi ích quốc gia, dân tộc vì con người là nguồn lực quyết định, là mục tiêu và động lực của sự phát triển. Trong bất kỳ thời đại nào, con người vẫn luôn là lực lượng sản xuất cơ bản, hàng đầu của toàn xã hội, giữ vị trí trung tâm trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Một chiến lược phát triển xã hội chỉ thành công khi đặt trọng tâm cao nhất là con người xã hội, vấn đề này phù hợp với ước vọng và bản chất tự nhiên (từ dân), được sự đồng thuận cao (do dân) và phải có một mục tiêu tối thượng là phục vụ ước vọng chung của xã hội (vì dân).
Thứ hai, xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thầm quốc tế chân chính.
Tiếp tục cụ thể hoá quan điểm của Đại hội X về sự cần thiết phải “xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam”[3] thời kỳ mới, tại Đại hội XI, Đảng ta đã đưa tiêu chí con người Việt Nam giàu lòng yêu nước lên hàng đầu tiên trong các tiêu chí, những chuẩn mực để xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Bởi yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ ngàn xưa và đã được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, truyền thống yêu nước của dân tộc ta ngày càng được giữ gìn, phát huy và bổ sung thêm những nội dung mới đó là “không cam chịu đói nghèo”, là “phải xây dựng đất nước phồn vinh”, là “sánh vai với các cường quốc năm châu” và phải có “tinh thần quốc tế chân chính”. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng yêu nước chính là sức mạnh to lớn, là điểm tương đồng tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, từ đó khơi dậy và phát huy sức mạnh của người Việt Nam ở trong nước, cũng như ở ngoài nước cùng chung sức, chung lòng phát huy tài năng và trí tuệ xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh
Con người Việt Nam trong thời đại mới phải nêu cao tinh thần trách nhiệm công dân, không ngừng học tập, trau dồi tri thức; có ý thức và năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội. Để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao đó, với cường độ lao động lớn, đòi hỏi mỗi người phải có ý thức rèn luyện sức khoẻ, nâng cao thể lực đủ sức khoẻ để lao động trong môi trường cạnh tranh gay gắt.
Con người Việt Nam hiện nay ngoài các tiêu chí như: Lao động giỏi, trình độ cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp..., còn phải coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, sống có nghĩa tình, có văn hóa, có lý tưởng. Đó là những giá trị truyền thống của dân tộc vẫn còn nguyên giá trị và cần phải được tiếp tục phát huy, nhất là đối với thế hệ trẻ Việt Nam, bởi vì tương lai của đất nước luôn đặt lên vai thế hệ trẻ.
Thứ ba, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thất sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường trực tiếp, quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách.
Đây là nội dung mà Cương lĩnh 1991 chưa đặt ra. Tại đại hội XI, trong Cương lĩnh 2011 Đảng ta đã chính thức đưa nội dung này vào định hướng xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Như chúng ta đã biết, Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định gia đình là tế bào của xã hội. Kế thừa tư tưởng của các nhà kinh điển, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc về vai trò của gia đình đối với xã hội. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng “tế bào” phải phát triển bền vững. Gia đình không chỉ là tế bào tự nhiên mà còn là một đơn vị kinh tế của xã hội. Không có gia đình tái tạo ra con người để xây dựng xã hội thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị mới được tiếp thu, nhưng nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam cũng đang mất đi. Tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình gia tăng; chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, hưởng thụ có xu hướng tăng lên…Những hạn chế này đang làm cho nhiều “tế bào” có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, làm cho nền tảng xã hội thiếu vững chắc. Cho nên trong Đại hội XI, Đảng ta đã có sự phát triển nhận thức mới về gia đình, đó là: Ấm no, tiến bộ và hạnh phúc là những điều kiện cơ bản, quan trọng để gia đình phát triển lành mạnh. Muốn có một “tế bào lành mạnh”, một “nền tảng vững chắc” thì phải xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Thứ tư, xây dựng đơn vị sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu phải là môi trường rèn luyện phong cách làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất và hiệu quả cao, bồi đắp tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người và nền văn hoá Việt Nam.
Có thể thấy răng, xuất phát từ tầm quan trọng của việc giáo dục, đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa, trong suốt quá trình phát triển, Đảng ta rất coi trọng vấn đề xây dựng đạo đức cho con người nói chung, cán bộ, đảng viên nói riêng đặc biệt là trong thời kỳ Đổi mới.
Sau đây là phần lược trích một số quan điểm của Đảng về giáo dục phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam đặc biệt là trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
A. PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC CỦA NGƯỜI CÁN BỘ CÁCH MẠNG
Trích: Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng (1951)
“- Phát triển tinh thần yêu nước: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,v.v. chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.
Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ... Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, những đều giống nhau nơi nồng nàn yêu nước.
Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến [...]”
Trích: Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng (1951)
Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia, H.2001, tr.33,34,35
Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về các văn kiện trình Đại hội VIII do đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư trình bày ngày 28-6-1996
“ […] Trong tình hình hiện nay, phải rất chú trọng việc giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng và trình độ trí tuệ của cán bộ, đảng viên. Uốn nắn những nhận thức lệch lạc, những quan điểm mơ hồ, những biểu hiện dao động về tư tưởng, suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng... Mọi cán bộ, đảng viên trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, phải gương mẫu học tập, rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ mọi mặt, giữ gìn đạo đức cách mạng, khắc phục chủ nghĩa cá nhân […]
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị quốc gia, H.1996, tr. 49-50)
Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996)
[…] Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh về mọi mặt, phát triển về số lượng, giác ngộ về giai cấp, nâng cao trình độ học vấn và tay nghề, có năng lực ứng dụng và sáng tạo công nghệ mới, có tác phong công nghiệp và ý thức tổ chức, kỷ luật, lao động đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, làm nòng cốt trong việc xây dựng khối liên minh công nhân, nông dân, trí thức và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…
[…] Đối với tầng lớp trí thức, tạo điều kiện thu nhận thông tin, tiếp cận với các thành tựu mới của khoa học và văn hoá thế giới, nâng cao kiến thức chuyên môn, trình độ chính trị; khuyến khích tự do sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; phổ biến các tác phẩm và công trình văn học nghệ thuật có giá trị; phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ xứng đáng các tài năng…
[…] Đối với thanh niên, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở mọi cấp, mọi ngành. Coi trọng hơn nữa việc giáo dục thế hệ trẻ về chính trị, tư tưởng, văn hoá, nghề nghiệp, đạo đức, lối sống.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị quốc gia, H.1996, tr. 123, 124)
Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996)
[…] Khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất đạo đức. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu tự rèn luyện, tự phấn đấu nâng cao đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, khắc phục chủ nghĩa cá nhân…
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị quốc gia, H.1996, tr. 141)
Trích Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010
[…] Mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “ Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá”, “Xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hoá”, phong trào “người tốt, việc tốt”, làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam…
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, H.2001, tr. 208)
Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001)
[…] Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ đảng viên. Các cấp uỷ tổ chức hướng dẫn và kiểm tra đảng viên học tập, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức lãnh đạo, quản lý và vận động nhân dân, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu…
[…] Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, gắn bó với nhân dân. Có cơ chế và chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trọng dụng những người có đức, có tài…
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, H.2001, tr. 139-141)
Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006)
[…] Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hoá trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hoá con người Việt Nam…
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, H.2006, tr. 106)
[…]Đối với thế hệ trẻ, thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống; tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, H.2006, tr. 120
Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác xây dựng Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006)
[…]Rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân:
Đặc biệt quan tâm, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, hết lòng vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng…
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, H.2006, tr. 286)
Trích Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày ngày 12 tháng 1 năm 2011
“Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; thực hiện bình đẳng giới, chăm sóc và bảo vệ trẻ em…
Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành…
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, H.2011, tr. 40, 41)
[…] Phần I: Về thực trạng vǎn hóa nước ta
1 - Những thành tựu
Tư tưởng, đạo đức và lối sống là những lĩnh vực then chốt của vǎn hóa, đã có những chuyển biến quan trọng. Chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng và phát triển sáng tạo ngày càng tỏ rõ giá trị vững bền làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng nước ta, nhân tố hàng đầu bảo đảm cho đời sống tinh thần xã hội phát triển đúng hướng.
Ý thức phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tinh thần trách nhiệm và nǎng lực tổ chức thực tiễn của cán bộ, đảng viên được nâng lên một bước. Nhiều nét mới trong giá trị vǎn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước hình thành. Tính nǎng động và tính tích cực công dân được phát huy, sở trường và nǎng lực cá nhân được khuyến khích. Không khí dân chủ trong xã hội tǎng lên. Thế hệ trẻ tiếp thu nhanh những kiến thức mới và có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, về cách mạng và kháng chiến, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, quý trọng các danh nhân vǎn hóa, đền ơn đáp nghĩa những người có công, giúp đỡ những người hoạn nạn... trở thành phong trào quần chúng. Tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng được tôn trọng.
Sự nghiệp giáo dục, khoa học thu được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, trình độ học vấn của nhân dân, làm tǎng thêm sức mạnh nội sinh.
Trên lĩnh vực vǎn học, nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo có bước phát triển mới. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống được gìn giữ. Có thêm nhiều tác phẩm có giá trị về đề tài cách mạng và kháng chiến, về công cuộc đổi mới. Nhiều bộ sưu tập công phu từ kho tàng vǎn hóa dân gian và vǎn hóa bác học Việt Nam trong nhiều thế kỷ được xuất bản, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tư tưởng, học thuật và thẩm mỹ của dân tộc. Hoạt động lý luận, phê bình đã đạt được những kết quả tích cực, khẳng định mạnh mẽ vǎn nghệ cách mạng và kháng chiến, đẩy lùi một bước những quan điểm sai trái.
Số đông vǎn nghệ sĩ được rèn luyện và thử thách trong thực tiễn cách mạng, có vốn sống, giàu lòng yêu nước; trước những biến động của thời cuộc và những khó khǎn của đời sống vẫn giữ gìn được phẩm chất, kiên định quan điểm sáng tác phục vụ nhân dân, làm sứ mệnh người nghệ sĩ - chiến sĩ. Nhiều vǎn nghệ sĩ tuy tuổi cao, vẫn tiếp tục sự nghiệp sáng tạo, lớp trẻ có nhiều cố gắng tìm tòi cái mới.
[…]2- Những mặt yếu kém
Nổi lên trước hết ở nhận thức tư tưởng, trong đạo đức và lối sống.
Trước những biến động chính trị phức tạp trên thế giới, một số người dao động, hoài nghi về con đường xã hội chủ nghĩa, phủ nhận thành quả của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; phủ nhận lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không ít người còn mơ hồ, bàng quan hoặc mất cảnh giác trước những luận điệu thù địch xuyên tạc, bôi nhọ chế độ ta.
Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị vǎn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ... đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Buôn lậu và tham nhũng phát triển. Ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác gia tǎng. Nạn mê tín dị đoan khá phổ biến. Nhiều hủ tục cũ và mới lan tràn, nhât là trong việc cưới, việc tang, lễ hội...
Nghiêm trọng hơn là sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức, có quyền. Nạn tham nhũng, dùng tiền của Nhà nước tiêu xài phung phí, ǎn chơi sa đọa không được ngǎn chặn có hiệu quả. Hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ, địa phương, bè phái, mất đoàn kết khá phổ biến. Những tệ nạn đó gây sự bất bình của nhân dân, làm tổn thương uy tín của Đảng, của Nhà nước.
Nhiều biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo làm cho xã hội lo lắng như sự suy thoái đạo lý trong quan hệ thầy trò, bè bạn, môi trường sư phạm xuống cấp; lối sống thiếu lý tưởng, hoài bão, ǎn chơi, nghiện ma túy... ở một bộ phận học sinh, sinh viên; việc coi nhẹ giáo dục đạo đức, thẩm mỹ và các bộ môn chính trị, khoa học xã hội và nhân vǎn.
Đời sống vǎn học, nghệ thuật còn những mặt bất cập. Rất ít tác phẩm đạt đỉnh cao tương xứng với sự nghiệp cách mạng và kháng chiến vĩ đại của dân tộc và thành quả của đổi mới. Trong sáng tác và lý luận, phê bình, có lúc đã nảy sinh khuynh hướng phủ nhận thành tựu vǎn học cách mạng và kháng chiến, đối lập vǎn nghệ với chính trị, nhìn xã hội với thái độ bi quan. Một vài tác phẩm viết về kháng chiến đã không phân biệt chiến tranh chính nghĩa với chiến tranh phi nghĩa. Xu hướng "thương mại hóa", chiều theo những thị hiếu thấp kém, làm cho chức nǎng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ của vǎn học, nghệ thuật bị suy giảm.
[…]3 - Những nguyên nhân chủ yếu
Những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng vǎn hóa một mặt chứng tỏ đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã và đang phát huy tác dụng tích cực, định hướng đúng đắn cho sự phát triển đời sống vǎn hóa xã hội; mặt khác đó là kết quả của sự tham gia tích cực của nhân dân và những nỗ lực to lớn của các lực lượng hoạt động trên lĩnh vực vǎn hóa.
Tuy nhiên những mặt chưa được còn nhiều, thậm chí có mặt nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức và lối sống. Nguyên nhân của tình trạng yếu kém đó là:
Về khách quan:
- Sự sụp đổ ở Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã gây xáo động lớn về tư tưởng, tình cảm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
- Các thế lực thù địch ráo riết chống phá ta trên mặt trận tư tưởng vǎn hóa nhằm thực hiện "diễn biến hòa bình".
- Cơ chế thị trường và sự hội nhập quốc tế, bên cạnh những tác động tích cực to lớn, cũng đã bộc lộ mặt trái của nó, ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhân dân ta.
- Nước ta còn nghèo, nhu cầu vǎn hóa của nhân dân rất lớn nhưng khả nǎng đáp ứng còn hạn chế do thiếu những điều kiện và phương tiện vật chất cần thiết.
Về chủ quan:
- Trong khi tập trung sức vào nhiệm vụ kinh tế, Đảng chưa lường hết những tác động tiêu cực nói trên, từ đó chưa đặt đúng vị trí của vǎn hóa, chưa coi trọng công tác giáo dục về tư tưởng, đạo đức và lối sống, thiếu các biện pháp cần thiết trên cả hai mặt "xây" và "chống" trên lĩnh vực vǎn hóa. Công tác nghiên cứu lý luận chưa làm rõ nhiều vấn đề có liên quan đến vǎn hóa trong quá trình đổi mới, trong việc xác định những giá trị truyền thống cũng như hệ giá trị mới cần xây dựng, trong việc xử lý các mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, vǎn hóa và chính trị, vǎn hóa và kinh tế... Chưa xây dựng được chiến lược phát triển vǎn hóa song song với chiến lược phát triển kinh tế.
- Việc xử lý những phần tử thoái hóa biến chất trong Đảng và bộ máy Nhà nước chưa nghiêm. Tinh thần tự phê bình và phê bình sa sút ở nhiều cấp bộ đảng. Nội dung giáo dục tư tưởng, chính trị trong sinh hoạt đảng và các đoàn thể rất yếu. Những điều đó làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, nhưng Trung ương và Bộ Chính trị, Chính phủ chưa có những biện pháp khắc phục hữu hiệu.
[…]
Phần II: Phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển vǎn hoá
I – Phương hướng
Phương hướng chung của sự nghiệp vǎn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc , ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền vǎn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thụ tinh hoa vǎn hóa nhân loại, làm cho vǎn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, vǎn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Những quan điểm chỉ đạo cơ bản:
1 - Vǎn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.
Chǎm lo vǎn hóa là chǎm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu vǎn hóa, vì xã hội công bằng, vǎn minh, con người phát triển toàn diện Vǎn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố vǎn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương,... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.
2- Nền vǎn hóa mà chúng ta xây dựng là nền vǎn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung.
Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn nǎm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân-gia đình-làng xã-Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Bản sắc vǎn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo.
Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong vǎn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ.
3 - Nền vǎn hóa Việt Nam là nền vǎn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hơn 50 dân tộc sống trên đất nước ta đều có những giá trị và sắc thái vǎn hóa riêng. Các giá trị và sắc thái đó bổ sung cho nhau, làm phong phú nền vǎn hóa Việt Nam và củng cố sự thống nhất dân tộc là cơ sở để giữ vững sự bình đẳng và phát huy tính đa dạng vǎn hóa của các dân tộc anh em.
4 - Xây dựng và phát triển vǎn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
Mọi người Việt Nam phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, vǎn minh đều tham gia sự nghiệp xây dựng và phát triển nền vǎn hóa nước nhà. Công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng khối đại đoàn kết toàn dân, cũng là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và phát triển vǎn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển vǎn hóa.
5 - Vǎn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển vǎn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng.
Bảo tồn và phát huy những di sản vǎn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị vǎn hóa mới, xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, vǎn minh là một quá trình cách mạng đầy khó khǎn, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian. Trong công cuộc đó, "xây" đi đôi với "chống", lấy "xây" làm chính. Cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản vǎn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa vǎn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng vǎn hóa để thực hiện "diễn biến hòa bình".
II - Những nhiệm vụ cụ thể
1 - Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với những đức tính sau:
- Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
- Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.
- Có lối sống lành mạnh, nếp sống vǎn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.
- Lao động chǎm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, nǎng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.
- Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.
2 - Xây dựng môi trường vǎn hóa.
Tạo ra ở các đơn vị cơ sở (gia đình, làng, bản, xã, phường, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp, nông trường, lâm trường, trường học, đơn vị bộ đội...), các vùng dân cư (đô thị, nông thôn, miền núi...) đời sống vǎn hóa lành mạnh, đáp ứng những nhu cầu vǎn hóa đa dạng và không ngừng tǎng lên của các tầng lớp nhân dân.
Gìn giữ và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình vǎn hóa. Xây dựng mối quan hệ khǎng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng,ấp, xã, phường vǎn hóa, nâng cao tính tự quản của cộng đồng dân cư trong công cuộc xây dựng nếp sống vǎn minh.
Thu hẹp dần khoảng cách đời sống vǎn hóa giữa các trung tâm đô thị và nông thôn, giữa những vùng kinh tế phát triển với các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo, giữa các tầng lớp nhân dân.
Phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế vǎn hóa ở cơ sở; đầu tư xây dựng một số công trình vǎn hóa trọng điểm tầm quốc gia. Tǎng cường hoạt động của các tổ chức vǎn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, phát triển phong trào quần chúng hoạt động vǎn hóa, nghệ thuật…
[…]5 - Phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ
Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Coi trọng giáo dục đạo lý làm người, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, đạo đức lối sống, nếp sống vǎn hóa, lịch sử dân tộc và bản sắc dân tộc, ý chí vươn lên vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước; bồi dưỡng ý thức và nǎng lực phát huy giá trị vǎn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa vǎn hóa nhân loại.
Bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên và tu chỉnh hệ thống sách giáo khoa, nâng cao chất lượng giảng dạy các bộ môn ngữ vǎn, lịch sử, chính trị, pháp luật, đạo đức; giảng dạy nhạc và họa ở các trường phổ thông.
Hoạt động khoa học xã hội - nhân vǎn, khoa học tự nhiên và công nghệ phải góp phần đắc lực giải quyết các vấn đề đặt ra trên lĩnh vực vǎn hóa, thúc đẩy các hoạt động vǎn hóa, thông tin, vǎn học, nghệ thuật...
[…]III - Những nhiệm vụ cấp bách đến năm 2000
Từ nay đến nǎm 2000, đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống vǎn hóa lành mạnh trong xã hội, trước hết trong các tổ chức Đảng và Nhà nước, trong các đoàn thể quần chúng và trong từng gia đình.
Kiên quyết loại bỏ những phần tử thoái hóa biến chất về đạo đức ra khỏi tổ chức đảng và cơ quan Nhà nước. Nghiêm trị bọn tội phạm. Ngǎn chặn và đẩy lùi các hoạt động phản vǎn hóa, các sản phẩm vǎn hóa độc hại.
Xây dựng nếp sống vǎn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đẩy lùi hủ tục, các tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm, bạo lực, gây rối trật tự công cộng. Cải thiện đời sống vǎn hóa ở những vùng đời sống vǎn hóa còn quá thấp kém, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất về đời sống vǎn hóa tinh thần của nhân dân.
Phần III: Những giải pháp lớn xây dựng và phát triển vǎn hoá
I - Mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống vǎn hoá"
- Bằng nhiều hình thức phong phú, tuyên truyền giáo dục làm chuyển biến nhận thức trong toàn xã hội, trước hết trong các cấp ủy đảng, đảng viên, cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ các đoàn thể quần chúng về tầm quan trọng, sự cần thiết cấp bách của sự nghiệp xây dựng, phát triển vǎn hóa, về trách nhiệm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vǎn hóa trong thời kỳ mới.
- Giáo dục chủ nghĩa yêu nước phải gắn chặt với phong trào thi đua yêu nước và giáo dục về chủ nghĩa xã hội, về nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước thoát nghèo nàn lạc hậu; làm cho mọi người thấm nhuần truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Các hoạt động tuyên truyền giáo dục phải gắn với quản lý xã hội bằng pháp luật, phát huy sức mạnh dư luận xã hội, gắn với các phong trào hành động của quần chúng.
- Phát động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống vǎn hóa", huy động mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị từ trên xuống, từ trong đảng, cơ quan Nhà nước, các đoàn thể ra ngoài xã hội tích cực tham gia phong trào.
Phong trào đó bao gồm các phong trào hiện có như: Người tốt việc tốt, Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa, Xóa đói giảm nghèo, Xây dựng gia đình vǎn hóa, làng, xã, phường vǎn hóa, Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở các khu dân cư... và toàn bộ các phong trào ấy đều hướng vào cuộc thi đua yêu nước "Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, vǎn minh".
Thông qua các cuộc vận động nói trên, thiết thực chuẩn bị tiến tới đại hội thi đua toàn quốc vào nǎm 2000.
IV- Nâng cao hiệu quả lãnh đạo cảu Đảng trên lĩnh vực văn hoá
Yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi Đảng ta phải tǎng cường và nâng tầm lãnh đạo trên lĩnh vực vǎn hóa.
- Nhận thức đúng đắn về vai trò đặc biệt quan trọng của vǎn hóa trong việc bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa. Khắc phục thái độ xem nhẹ việc xây dựng và đấu tranh trên lĩnh vực vǎn hóa.
- Thường xuyên chǎm lo việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và tình hình đất nước cho đội ngũ trí thức vǎn nghệ sĩ, cán bộ vǎn hóa; làm tốt công tác kết nạp đảng trong bộ phận trí thức, vǎn nghệ sĩ ưu tú.
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm cho vǎn hóa, vǎn học nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm thực hiện quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo vǎn hóa, vǎn học, nghệ thuật, khoa học và công nghệ trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn.
- Phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức sáng tạo vǎn hóa, vǎn nghệ trong việc vận động, tổ chức quần chúng, giới trí thức thực hiện nhiệm vụ vǎn hóa, làm chủ vǎn hóa.
- Đi sát, nắm chắc tình hình hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng - vǎn hóa; lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sắc bén, giúp các cơ quan Nhà nước thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng. Hỗ trợ giải quyết kịp thời những khó khǎn vướng mắc đối với ngành vǎn hóa trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về vǎn hóa, phải xây dựng vǎn hóa từ trong đảng, trong bộ máy nhà nước như Bác Hồ đã dạy "Đảng ta là đạo đức, là vǎn minh". Phải đặt mạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn đảng, toàn dân, toàn quân. Vǎn hóa đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, viên chức nhà nước, trong từng đảng viên, hội viên, ở các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo. Từ sự gương mẫu về mọi mặt của các tổ chức và từng cán bộ trong bộ máy đảng, nhà nước, đoàn thể mà phát huy vai trò lãnh đạo thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống vǎn hóa". Gương mẫu là một nội dung, một phương thức trọng yếu trong công việc lãnh đạo của Đảng.
Quan tâm giáo dục lý tưởng, đạo đức và lối sống vǎn hóa cho thế hệ trẻ. Có chính sách trọng dụng người tài.
Làm tốt công tác kiểm tra của Đảng trong việc xem xét tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên…
Trích: NGHỊ QUYẾT LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA VIII)
Số 03/NQ-TW ngày 16/7/1998
Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
TM/Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Tổng Bí Thư
Lê Khả Phiêu
(Đã ký)
(Theo tài liệu Hội nghị BCH Trung ương khoá VIII của Đảng lưu tại Thư viện của Trung ương Hội LHPN Việt Nam)
B. PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
Với mục tiêu xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã chủ trương thực hiện bình đẳng nam - nữ, bình đẳng giữa các giai cấp, dân tộc… Đó chính là điều kiện tiên quyết để giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy quan hệ sản xuất phát triển.
Với quan điểm nhất quán: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, ngay từ khi ra đời, Đảng đã nhìn thấy đươc vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc thực hiện cách mạng:“…Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu thì cách mạng không thắng lợi được…”.
Chính vì thế, trong quá trình cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Án nghị quyết Trung ương toàn thể hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10-1930) về công tác phụ nữ vận động đã nhận định “Phải làm cho quần chúng phụ nữ lao khổ tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng của công nông, đó là điều cốt yếu nhất, nếu phụ nữ đứng ngoài cuộc đấu tranh cách mạng của công nông thì sẽ không bao giờ đạt mục đích phụ nữ giải phóng được”. Đồng thời, Đảng đã khẳng định: trong một nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến như Việt Nam, người phụ nữ chịu nhiều tầng áp bức (áp bức của thực dân, áp bức của phong kiến), lại thêm sự phân biệt đối xử “trọng nam khinh nữ”. Do vậy, con đường giải phóng phụ nữ không thể tách rời sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đồng thời, việc giải phóng phụ nữ là một nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển của đất nước. Bồi dưỡng lực lượng phụ nữ, phát huy sức mạnh, bồi dưỡng đạo đức, nâng cao tri thức và chăm lo sự phát triển mọi mặt của phụ nữ là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng đặc biệt trong công cuộc CNH-HĐH đất nước.
Quan tâm đến phụ nữ như một lực lượng cách mạng hùng hậu, Đảng ta luôn chú trọng đến việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho phụ nữ để họ đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Xuất phát từ sự quan tâm của Đảng đối với phụ nữ, xuất phát từ tầm quan trọng của nhiệm vụ giải phóng phụ nữ, thúc đẩy công tác phụ nữ, Đảng ta đã thể hiện những quan điểm này qua các kỳ Đại hội Đảng, đồng thời Đảng cũng giành nhiều nghị quyết chuyên đề để chỉ đạo việc phát triển cán bộ nữ, động viên phong trào phụ nữ, định hướng giáo dục phụ nữ… Môt số văn kiện tiêu biểu là: Thông tri của Ban Bí thư: Số 72- TT/TW, ngày 18 tháng 7 năm 1957 Về tăng cường lãnh đạo công tác vận động phụ nữ; Nghị quyết của Ban Bí thư Số 25-NQ/TƯ, ngày 6 tháng 12 năm 1957 Vềmột số vấn đề công tác vận động phụ nữ; Chỉ thị của Ban Bí thư Số 137-CT/TƯ, ngày 10-4-1959 Về việc tăng cường lãnh đạo công tác vận động phụ nữ; Nghị quyết của Ban Bí thư Số 152 - NQ/TW ngày 10 tháng 1 năm 1967 Về một số vấn đề về tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận;Nghị quyết của Bộ Chính trị SỐ 04-NQ/TW ngày 12 tháng 7 năm 1993Về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị của Ban Bí thư Số 37-CT/TW ngày 16 tháng 5 năm 1994 Về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết của Bộ Chính trị Số 11- NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá…
Những văn kiện này tập trung vào việc phân tích những điều kiện, tình hình khó khăn, thuận lợi của công tác phụ nữ trong từng thời kỳ, từ đó nêu lên những định hướng lớn để chỉ đạo việc phát triển phong trào phụ nữ, phát triển cán bộ nữ, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, thay đổi những quan niệm, cái nhìn lệch lạc về phụ nữ, về cán bộ nữ… Từ đó, Đảng cũng đưa ra những nhiệm vụ, mục tiêu, cách làm cụ thể đối với từng tổ chức, từng cá nhân để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển những khả năng của mình. Đặc biệt, Đảng cũng có những định hướng nhấn mạnh đến việc giáo dục phẩm chất đạo đức của phụ nữ bởi lẽ phẩm chất đạo đức được xem là tiền đề quyết định những mọi hành động của con người.
Sau đây là phần lược trích một số quan điểm của Đảng về giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ:
[...]Thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã đưa người phụ nữ Việt Nam lên địa vị làm chủ tập thể trong xã hội, có quyền bình đẳng với nam giới về mọi mặt, có những bước tiến nhảy vọt trong đời sống vật chất và tinh thần, có vai trò to lớn trong chiến đấu cũng như trong sản xuất, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất tự hào về người phụ nữ Việt Nam: “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, những người mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng lớp lớp thế hệ anh hùng Việt Nam. Nhưng chúng ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để thực hiện triệt để nhiệm vụ giải phóng phụ nữ, bảo đảm cho phụ nữ cùng với toàn dân thực hiện quyền làm chủ tập thể đẩy đủ nhất. Xã hội ta, Nhà nước ta có trách nhiệm lớn trong vấn đề này. Nội dung chủ yếu của công tác vận động phụ nữ ngày nay là phát động mạnh mẽ phong trào phụ nữ thi đua lao động, sản xuất cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới khẩu hiệu: “giỏi việc nước, đảm việc nhà, thực hiện nam nữ bình đẳng”, phát huy lực lượng và khả năng của phụ nữ trong mọi hoạt động quản lý xã hội, trong việc quản lý kinh tế, văn hoá, quản lý nhà nước, xây dựng người phụ nữ mới xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng gia đình văn hóa mới.
Phải kiên quyết đấu tranh xóa bỏ những quan điểm lạc hậu, bảo thủ về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội, những tàn dư tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ còn sót lại trong nhân dân, cả trong một số cán bộ đảng viên. Ra sức bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hoá, khoa học, kỹ thuật, trình độ nghề nghiệp của phụ nữ, tích cực đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ, đưa phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý, cải thiện điều kiện lao động và công tác để giữ gìn sức khoẻ cho chị em.
Đảng và Nhà nước phải có chính sách và biện pháp cụ thể bảo đảm cho phụ nữ làm tròn chức trách người mẹ, một chức trách cao quý nhất, đẹp đẽ nhất trong đời sống cộng đồng. Phải tích cực giải quyết những khó khăn về đời sống của phụ nữ, từ việc ăn, ở, sinh đẻ, nuôi con, chữa bệnh, học hành đến điều kiện lao động, công tác và nghỉ ngơi, giúp chị em giảm nhẹ công việc chợ búa, bếp núc. Phải đặc biệt chăm lo đời sống và sức khỏe của phụ nữ ở những vùng bị tàn phá nhiều trong chiến tranh, những vùng bị Mỹ - Ngụy chiếm đóng lâu ngày. Đó là những công việc quan trọng và cấp bách hiện nay, để thiết thực giải phóng phụ nữ, đào tạo người phụ nữ mới, phát huy nghị lực và tài năng của phụ nữ, động viên, thúc đẩy phong trào phụ nữ nước ta tiến lên những bước mới.
Hội Liên hiệp phụ nữ cần giáo dục các tầng lớp phụ nữ, làm cho chị em hiểu rõ mối quan hệ khăng khít giữa giải phóng phụ nữ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thấy rõ trách nhiệm của người phụ nữ đối với Tổ quốc, xã hội và gia đình, nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần phấn đấu vươn lên của chị em trên mọi mặt công tác. Việc động viên phong trào phụ nữ, giải quyết những khó khăn và các vấn đề về quyền lợi của chị em phải do các cơ quan nhà nước phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhân dân, mà nòng cốt là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, để cùng làm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phải có những biện pháp về nhiều mặt và những hình thức vận động thích hợp với phụ nữ ở các lứa tuổi, các ngành nghề các khu vực cư trú và hoạt động khác nhau”.
Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976)
Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 37, NXB Chính trị quốc gia, H.2004, tr.571-573
“Chế độ mới phải tạo ra những điều kiện ngày càng đầy đủ để mỗi gia đình được sống hạnh phúc, để chị em phụ nữ làm tròn chức trách làm mẹ cao quý. Làm tốt hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch. Mở rộng dần việc xã hội đảm nhận chăm sóc, nuôi dạy trẻ em. Song, điều đó không giảm nhẹ chút nào vai trò nuôi con khoẻ, dạy con ngoan của người mẹ. Hạnh phúc cao nhất của đứa con ở tuổi ấu thơ là được nuôi dưỡng và lớn lên trong tình thương của mẹ.
... Phụ nữ nước ta rất xứng đáng là đội ngũ quần chúng cách mạng hùng hậu, là lực lượng lao động xã hội to lớn, là những người giữ trọng trách trong việc sinh thành và nuôi dạy thế hệ tương lai. Phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" đã giáo dục, động viên phụ nữ cả nước làm tốt nghĩa vụ công dân và trách nhiệm làm mẹ, đồng thời bồi dưỡng cho chị em ý thức phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng, đưa sự nghiệp giải phóng phụ nữ tiến lên một bước quan trọng.
... Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phải ra sức giáo dục, động viên phụ nữ phát huy quyền làm chủ tập thể, cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, cho chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, và xây dựng người phụ nữ mới xã hội chủ nghĩa. Hội cần chăm lo những vấn đề phúc lợi, về đời sống của phụ nữ, tạo điều kiện cho chị em làm tốt nhiệm vụ sản xuất, hoạt động xã hội và nuôi dạy con cái. Hội cần phối hợp với các cơ quan nhà nước, với Công đoàn và Đoàn Thanh niên để điều tra, nghiên cứu về đời sống, điều kiện lao động, yêu cầu và nguyện vọng của phụ nữ, địa vị của phụ nữ trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành các chính sách, các luật pháp, bảo đảm quyền lợi của phụ nữ, và góp phần kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, luật pháp ấy”.
Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (1982)
Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 43, NXB Chính trị quốc gia, H.2006, tr.121, 131-132
“... Phụ nữ nói chung, và lao động nữ nói riêng, có những đặc điểm cần được chú ý. Để phát huy vai trò to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng, cần làm cho đường lối vận động phụ nữ của Đảng được thấu suốt trong cả hệ thống chuyên chính vô sản, được cụ thể hóa thành chính sách, luật pháp. Các cơ quan nhà nước, với sự phối hợp của các đoàn thể, cần có biện pháp thiết thực tạo thêm việc làm, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình. Tạo điều kiện cho phụ nữ kết hợp được nghĩa vụ công dân với chức năng làm mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986),
Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 47, NXB Chính trị quốc gia, H. 2006, tr.450
… “Nâng cao kiến thức văn hóa, nghề nghiệp cho phụ nữ; bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ.
[…] Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người. Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình”.
Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996)
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị quốc gia, H.1996, tr. 109, 112, 116, 118
“Đối với phụ nữ, thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn; có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành; chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em; tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị quốc gia, H. 2001, tr. 126
“Đối với phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp. Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản, chế độ đối với lao động nữ. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”.
Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, H. 2006, tr. 120
[…]Xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, tập trung ở những vùng và khu vực có sự bất bình đẳng và nguy cơ bất bình đẳng cao; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình. Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ”.
Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng,
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 231
[…] I- PHẢI COI TRỌNG CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG PHỤ NỮ
Đảng ta đặt vấn đề vận động phụ nữ và coi trọng công tác vận động phụ nữ là vì nhiệm vụ giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình đẳng là trách nhiệm của chính đảng của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân muốn giải phóng mình thì phải giải phóng phụ nữ. Vì phụ nữ chiếm một nửa phần dân số, là lực lượng quan trọng trong mọi công cuộc cách mạng và trong lao động sản xuất, cho nên Đảng phải chú trọng lãnh đạo công tác vận động phụ nữ.
Phụ nữ có những đặc điểm riêng biệt như bị áp bức khắc nghiệt lâu đời, luôn luôn có tinh thần đấu tranh mãnh liệt. Phụ nữ tham gia lao động rất hăng hái, cần cù và dũng cảm, có tinh thần kiên nhẫn, không sợ gian khổ, giàu tình cảm, có lòng vị tha. Với những đức tính ấy, phụ nữ là lớp người trung thành tận tụy với cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nhưng phụ nữ cũng còn có những nhược điểm, là vì bị kìm hãm trong khuôn khổ chật hẹp của gia đình, làng xóm, và do ảnh hưởng lâu đời của lễ giáo phong kiến, cho nên có tư tưởng tự ti; hẹp hòi, thiển cận. Mặt khác, do trình độ văn hóa còn kém, dễ mê tín dị đoan. Trong công tác vận động phụ nữ, nên hiểu rõ những đặc điểm của phụ nữ, phát huy những ưu điểm, khắc phục nhược điểm của phụ nữ thì sẽ phát triển được phong trào cách mạng.
Vì những lẽ trên, Đảng phải coi trọng công tác vận động phụ nữ. Nhiệm vụ vận động phụ nữ chính là quan tâm giáo dục phụ nữ, bảo hộ lao động phụ nữ, giải quyết khó khăn cho phụ nữ và nhất là đặc biệt chú trọng đào tạo và bồi dưỡng những phần tử tích cực trong phụ nữ làm cốt cán cho phong trào. Phải khắc phục tư tưởng không coi trọng phụ nữ, chỉ thấy nhược điểm mà không thấy ưu điểm, không thấy khả năng và vai trò của phụ nữ trong công tác cách mạng và lao động sản xuất.
[…]
Mấy nhiệm vụ cơ bản hiện nay trong phong trào vận động phụ nữ:
1. Lãnh đạo phụ nữ tham gia phong trào hợp tác hóa nông nghiệp
Phụ nữ nông dân sản xuất riêng lẻ đã làm cho họ gặp nhiều khó khăn cho nên rất mong muốn vào hợp tác xã, song cũng do sản xuất riêng lẻ đã thành thói quen nên khi mới tham gia hợp tác xã họ có nhiều lo lắng hoài nghi biểu hiện cuộc đấu tranh giữa hai luồng tư tưởng cá thể và tập thể. Vì thế các cấp ủy nhất là chi bộ cần coi việc giáo dục xã hội chủ nghĩa cho phụ nữ là một nhiệm vụ giáo dục quần chúng của chi bộ. Sau khi hợp tác xã đã thành lập, việc giáo dục phụ nữ phải được gắn liền với công tác chính trị của hợp tác xã mà tiến hành thường xuyên nhằm nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho phụ nữ và khắc phục những tàn dư tư tưởng phong kiến tồn tại trong phong trào phụ nữ và nhân dân.
Cần chú trọng bảo hộ lao động phụ nữ, giải quyết khó khăn cho phụ nữ. Vì công việc hợp tác xã ngày càng nhiều, yêu cầu cải tiến kỹ thuật ngày càng cao nên cường độ lao động cũng ngày càng tăng, cho nên việc huy động phải đi đôi với bảo hộ, nhất là đối với phụ nữ còn có những điều kiện sinh lý đặc biệt như chửa đẻ, nuôi con, hành kinh v.v. cho nên càng cần phải chú ý bảo hộ lao động phụ nữ đồng thời phải tổ chức các nhóm giữ trẻ của hợp tác xã để phụ nữ an tâm sản xuất.
Trong lao động sản xuất, cần thực hiện nguyên tắc nam nữ làm việc ngang nhau, công điểm bằng nhau. Muốn thế cần đánh giá đúng những loại việc để quy định công điểm cho sát.
Trong lao động sản xuất, cần tích cực đào tạo, bồi dưỡng và đề bạt cán bộ phụ nữ tham gia ban quản trị hợp tác. Trước đây do quan niệm coi thường khả năng phụ nữ nên nhiều người cho rằng phụ nữ chỉ biết sản xuất, không muốn lãnh đạo nên không muốn đưa phụ nữ vào ban quản trị hợp tác xã hoặc có nơi đưa vào một cách hình thức, thiếu bồi dưỡng giúp đỡ. Mặt khác, bản thân chị em phụ nữ vì tư tưởng tự ti còn nặng chưa mạnh dạn gánh vác nhiệm vụ của mình, do đó những quyền lợi của phụ nữ trong hợp tác xã chưa được giải quyết thích đáng, ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng hợp tác xã.
Các cấp ủy Đảng cần chú ý giáo dục cho nam nữ nông dân nhận rõ phụ nữ có thể lãnh đạo được, đồng thời cần phải tạo điều kiện cho chị em được rèn luyện trong những công tác thích hợp, từ thấp đến cao; các lớp hợp tác xã, kỹ thuật v.v. cần quy định tỉ lệ phụ nữ tham gia học tập và quan tâm giải quyết khó khăn cho cốt cán phụ nữ.
2. Vận động phụ nữ công nhân tham gia cải tiến quản lý xí nghiệp
Ban Phụ vận và Ban Công vận cần phối hợp chặt chẽ để vận động phụ nữ công nhân tham gia cải tiến quản lý xí nghiệp. Nghiên cứu nội dung đường lối vận động phụ nữ công nhân, trước mắt cần quán triệt vấn đề phát động tư tưởng phụ nữ công nhân để trên cơ sở đó mà nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho nữ công nhân, đề cao vai trò chủ nhân và nâng cao nhận thức của nữ công nhân về vị trí của mình trong sự nghiệp cách mạng giải phóng giai cấp và giải phóng phụ nữ, tích cực thực hiện khẩu hiệu nam nữ bình đẳng. Đi đôi với việc nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, cần quan tâm bảo hộ lao động, săn sóc sức khỏe và giải quyết khó khăn cho nữ công nhân về vấn đề sinh đẻ, con cái.
Các cấp ủy Đảng cần đặc biệt chú trọng đào tạo phần tử tích cực, bồi dưỡng và đề bạt cán bộ nữ công nhân tham gia lãnh đạo trong đảng ủy, trong các đoàn thể công đoàn, thanh niên lao động, trong chuyên môn và đồng thời chú trọng phát triển đảng viên nữ công nhân.
Đối với gia đình công nhân, viên chức cần nâng cao trình độ giác ngộ về giai cấp để họ hỗ trợ cho công cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp.
3. Vận động phụ nữ tiểu thủ công và tiểu thương tích cực tham gia cải tạo thủ công nghiệp và công thương nghiệp
Đối với phụ nữ tiểu thương cần làm cho họ nhận rõ tiền đồ, nhận rõ lợi ích của việc tổ chức lại mà tự nguyện đi vào con đường hợp tác tương trợ, dần dần cải tiến lề lối làm ăn riêng lẻ của họ, đưa họ tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.
Đối với phụ nữ tiểu thủ công cần làm cho họ nhận rõ chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc, để họ kiên quyết đi theo con đường hợp tác hóa, cải tiến kỹ thuật phục vụ cho sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.
Đối với phụ nữ tư sản cần làm cho họ nhận rõ tiến lên chủ nghĩa xã hội chẳng những đảm bảo đời sống vật chất mà còn đảm bảo được hạnh phúc gia đình, con cái được phát triển tài năng, trước mắt là giáo dục họ hăng hái tham gia việc cải tạo xã hội chủ nghĩa bằng con đường công tư hợp doanh.
4. Tích cực lãnh đạo phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp
Phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân đông đảo là dấu hiệu chứng tỏ tính chất ưu việt của chế độ ta, của chính quyền dân chủ nhân dân, thể hiện được địa vị phụ nữ ngoài xã hội đồng thời nâng cao ý thức nghĩa vụ công dân của người phụ nữ. Vì thế các cấp ủy cần phải động viên phụ nữ tham gia bầu cử ứng cử cho thật đông đảo. Phải lấy công tác đó mà giáo dục, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, nâng cao nhận thức về nghĩa vụ công dân cho phụ nữ. Các cơ quan tuyên truyền báo chí cần chú ý tuyên truyền về vấn đề này.
5. Phát triển các công cuộc phúc lợi bảo hộ phụ nữ, nhi đồng
Ở nông thôn và thành thị cần chú trọng phát triển các nhóm giữ trẻ để giải quyết khó khăn cho phụ nữ và phát triển các lớp mẫu giáo dân lập để giáo dục nhi đồng, mặt khác cần chú trọng bảo hộ lao động và thai sản cho phụ nữ, nghiên cứu tổ chức các trạm hộ sinh, đào tạo nữ hộ sinh xã, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh và nhất là vệ sinh cho phụ nữ, nhi đồng”.
T/M BAN BÍ THƯ
TRINH
Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng | CHỈ THỊ CỦA BAN BÍ THƯ Số 137-CT/TW, ngày 10-4-1959 Về việc tăng cường lãnh đạo công tác vận động phụ nữ (Trích Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 20, NXB Chính trị quốc gia, H. 2002, tr. 265- 273) |
[…] "c) Phong trào xây dựng gia đình vẻ vang
Trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ hiện nay, có hàng vạn gia đình đã đóng góp nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến cứu nước. Nhiều gia đình đã hy sinh tính mạng, tài sản cho cách mạng, nhất là các gia đình công nhân, nông dân, lao động. Đảng và nhân dân vô cùng biết ơn những gia đình vinh quang ấy. Yêu cầu cách mạng sắp tới không những đề cao đúng mức sự hy sinh đóng góp sức người sức của toàn dân vừa qua mà phải phát động thành một phong trào rộng rãi đều khắp xây dựng “gia đình vẻ vang” nhằm động viên hơn nữa nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến cứu nước đủ sức giành thắng lợi. Đồng thời xây dựng cho mỗi gia đình trở thành cơ sở vững chắc thực hiện mọi đường lối chủ trương của Đảng, đưa các khẩu hiệu của Đảng tới từng gia đình và từng người dân một.
Nội dung phong trào xây dựng “gia đình vẻ vang” nhằm thực hiện tiêu chuẩn lớn như:
- Hăng hái kháng chiến (tòng quân giết giặc) tham gia du kích, đấu tranh chính trị, thực hiện các công tác cách mạng.
- Hăng hái sản xuất, tiết kiệm, để nâng cao đời sống mình và đóng góp thích đáng cho kháng chiến cứu nước.
- Xây dựng đạo đức mới và đời sống mới trong mỗi gia đình làm cơ sở cho chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên xã hội chủ nghĩa sau này.
Phong trào này là phong trào của toàn dân, nhưng phụ nữ đóng vai trò chủ yếu làm nóng cốt thực hiện. Đạt được tiêu chuẩn và yêu cầu trên, sẽ có tác dụng đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiến lên nhanh chóng và làm cho đời sống nhân dân, nhất là nhân dân vùng giải phóng được cải thiện, thực hiện có mức độ quyền bình đẳng dân chủ trong gia đình, đẩy mạnh phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng phụ nữ.
Muốn thực hiện tốt phong trào này, ban phụ vận các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đoàn thể, có kế hoạch tiến hành từng bước chu đáo. Trước nhất cần kiểm điểm tình hình phát triển những gia đình có công với nước đề cao đúng mức, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình, tạo điều kiện, giải quyết mọi khó khăn, giúp đỡ để mỗi gia đình đều trở thành gia đình vẻ vang thực sự".
Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng | THƯỜNG VỤ NĂM TRƯỜNG |
NGHỊ QUYẾT
CỦA THƯỜNG VỤ NĂM TRƯỜNG
Số 4-NQ , ngày 6 tháng 3 năm 1965
Về công tác phụ vận
(In trong Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 16, NXB Chính trị quốc gia, H. 2003, tr. 693- 720)
[…] “Tư tưởng phong kiến đối với phụ nữ còn tồn tại khá sâu sắc trong một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo. Thể hiện rõ nhất là tư tưởng hẹp hòi, "trọng nam khinh nữ", chưa tin vào khả năng quản lý kinh tế của phụ nữ, chưa thấy hết những khó khăn trở ngại của phụ nữ, ngoài ra, chức năng nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ và của các ngành đối với công tác phụ vận, và phương thức công tác phụ vận chưa được quy định cho thích hợp với tình hình mới.
Trong thời gian trước mắt, công tác phụ vận cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách sau đây:
1. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức người phụ nữ mới, động viên hơn nữa phụ nữ đẩy mạnh sản xuất, bảo vệ sản xuất, phục vụ đời sống, phục vụ chiến đấu.
2. Quản lý, bồi dưỡng, phân bố, sử dụng hợp lý lực lượng lao động phụ nữ.
3. Tăng cường bảo vệ sức khỏe phụ nữ, trẻ em, chủ yếu tập trung vào công tác mẫu giáo, nhóm trẻ, vệ sinh phòng bệnh cho phụ nữ và trẻ em.
4. Tăng cường bồi dưỡng cán bộ nữ về mọi mặt. Đề bạt, sử dụng cán bộ nữ với tỉ lệ thích đáng trong các cấp, các ngành.
Để đảm bảo thực hiện triệt để các Nghị quyết 11, 12 của Trung ương và chấp hành đúng đắn đường lối, phương châm, nhiệm vụ công tác phụ vận của Đảng, Ban Bí thư quy định rõ nhiệm vụ, chức năng, phương thức công tác phụ vận cho các cấp, các ngành phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.
Trước hết, cần nhận rõ phong trào phụ nữ là một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng nói chung, sự nghiệp giải phóng phụ nữ gắn liền với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Do đó nội dung và tính chất công tác vận động phụ nữ không đơn thuần chỉ là giáo dục động viên chính trị, mà còn bao gồm cả vấn đề: tổ chức phụ nữ sản xuất và quản lý kinh tế, giáo dục và hướng dẫn phụ nữ xây dựng nếp sống văn minh, thực hiện nam nữ bình đẳng trong gia đình cũng như ngoài xã hội, giáo dục đạo đức người phụ nữ mới, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Phương thức vận động phụ nữ không phải chỉ thông qua các đoàn thể quần chúng, mà còn phải thông qua các ngành kinh tế, hành chính, bằng các luật pháp, chế độ, chính sách, bằng các hoạt động văn hoá, khoa học, văn học, nghệ thuật, v.v...
Sau đây là một số vấn đề cụ thể:
I - NHIỆM VỤ CỤ THỂ TRƯỚC MẮT VÀ PHƯƠNG THỨC CÔNG TÁC CỦA BAN PHỤ VẬN
Ban Phụ vận là một ban chuyên môn của Đảng đã được Nghị quyết số 89- NQ/TW tháng 12-1963 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức. Ban Phụ vận Trung ương sẽ cùng với Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu và hướng dẫn tổ chức Ban Phụ vận ở một số tỉnh, thành cần thiết.
Trước mắt, Ban Phụ vận Trung ương cần tập trung vào mấy công tác cụ thể sau đây:
a) Bước đầu tổng kết việc thực hiện và hướng dẫn các cấp ủy Đảng, các ngành tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 99- CT/TW; góp phần phổ biến tốt nghị quyết về công tác cán bộ nữ, nghị quyết về một số vấn đề về tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận, và có kế hoạch kiểm tra, phát hiện, đề xuất chủ trương giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phụ vận trong tình hình mới.
b) Cùng với các ngành có liên quan, tiến hành các công tác sau đây:
1. Nghiên cứu việc phân bố, sử dụng hợp lý sức lao động phụ nữ trong nông nghiệp. Hướng dẫn thực hiện quyết định của Chính phủ về sử dụng lao động phụ nữ trong công nghiệp.
2. Nghiên cứu nội dung giáo dục đạo đức người phụ nữ mới.
3. Nghiên cứu việc thực hiện nghị quyết mới của Ban Bí thư về công tác cán bộ nữ.
4. Tăng cường việc tổ chức đời sống, bảo vệ sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em.
5. Kiện toàn tổ chức Hội ở cơ sở.
[…]
I - PHÁT HUY MẠNH MẼ TÁC DỤNG CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ
Hội Liên hiệp phụ nữ là một tổ chức quần chúng cách mạng của Đảng, có truyền thống đoàn kết và giác ngộ chính trị cho các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đồng thời đấu tranh để thực hiện nam nữ bình đẳng, giải phóng phụ nữ. Trong tình hình chống Mỹ, cứu nước hiện nay, các cấp ủy Đảng càng cần nhận rõ tác dụng của Hội Liên hiệp phụ nữ, đề cao vai trò của Hội, sử dụng tổ chức Hội đúng với chức năng của một tổ chức quần chúng.
Hội Liên hiệp phụ nữ có nhiệm vụ:
1. Giáo dục, động viên các tầng lớp phụ nữ thực hiện tốt nhiệm vụ và các chính sách sản xuất, phục vụ đời sống, phục vụ chiến đấu và chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Phát huy và cổ vũ phong trào "ba đảm đang" của phụ nữ miền Bắc thi đua với phụ nữ miền Nam thành phong trào sâu rộng và vững chắc.
Giáo dục ý thức nam nữ bình đẳng, giải phóng phụ nữ, và hướng dẫn phụ nữ phấn đấu để thực hiện nam nữ bình đẳng.
2. Phối hợp với các ngành làm tốt công tác phúc lợi đối với phụ nữ và trẻ em. Hướng dẫn chị em tổ chức tốt đời sống thích hợp với thời chiến và bảo vệ sức khoẻ, giải quyết khó khăn cho phụ nữ.
3. Kiểm tra việc thực hiện các luật pháp, chế độ, chính sách của Đảng và nhà nước về quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Đề xuất với Đảng và nhà nước bổ sung những chính sách và chế độ cần thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
4. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nhất là ở cơ sở. Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ Hội trong phong trào sản xuất và chiến đấu.
Đối với nhiệm vụ huy động phụ nữ tham gia sản xuất nông nghiệp, Hội Liên hiệp phụ nữ có trách nhiệm giáo dục cho phụ nữ quán triệt phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất và ý nghĩa của các chỉ tiêu chính về sản xuất, động viên phụ nữ quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu, các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm hoàn thành kế hoạch nhà nước. Các cấp hội phát hiện và đề xuất những yêu cầu với cấp uỷ và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm để tạo điều kiện cho phụ nữ sản xuất tốt như: hướng dẫn kỹ thuật, giải quyết công điểm hợp lý, giải quyết khó khăn về gia đình, con cái, bảo hộ lao động, v.v...
Việc trực tiếp chỉ đạo và quản lý sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật là trách nhiệm của các ngành, các cơ quan phụ trách sản xuất, kỹ thuật.
Hội Liên hiệp phụ nữ chủ động đề xuất với các ngành có liên quan những yêu cầu về công tác vận động phụ nữ để các ngành kịp thời đưa vào chương trình của các ngành. Hội tuyên truyền và phổ biến những kinh nghiệm của quần chúng, xây dựng những điển hình phụ nữ về các mặt, để làm kiểu mẫu vận động phụ nữ noi theo, giúp các cấp ủy và các ngành những kinh nghiệm cụ thể trong công tác lãnh đạo phụ nữ.
[…]
IV - TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CÁC CẤP UỶ ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHỤ VẬN
Các cấp ủy phải làm cho toàn đảng bộ nhận thức sâu sắc yêu cầu công tác phụ vận và quán triệt đường lối phụ vận của Đảng, đảm bảo công tác phụ vận là công tác của toàn Đảng. Cần có kế hoạch để lãnh đạo toàn đảng bộ và các ngành tổng kết kinh nghiệm công tác phụ vận, tiếp tục thi hành tốt Chỉ thị 99 - CT/TW, nghị quyết về công tác cán bộ nữ và nghị quyết về một số vấn đề về tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận, cần có biện pháp cụ thể để lãnh đạo tốt hơn nữa phong trào "ba đảm đang".
- Từng thời gian, các cấp ủy cần căn cứ vào nhiệm vụ, phương hướng công tác chung của địa phương để quy định nhiệm vụ, phương hướng công tác phụ vận cho toàn đảng bộ và các ngành.
- Từng thời gian, thường vụ cấp ủy cần nghe báo cáo tình hình công tác phụ vận, nhận định đánh giá phong trào và đề ra nhiệm vụ cho phụ nữ, đồng thời báo cáo lên cấp trên.
- Các cấp ủy cần có những cuộc họp chuyên đề để giải quyết một cách sâu sắc từng vấn đề đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác phụ vận.
- Các cấp ủy Đảng cần kiện toàn bộ máy lãnh đạo của các cấp Hội, nghiên cứu cấu tạo thành phần Ban Chấp hành các cấp Hội cho thích hợp và đủ sức lãnh đạo, bổ sung thêm những cán bộ trẻ, có sức khoẻ, đã trưởng thành trong sản xuất và chiến đấu, có trình độ văn hoá, kỹ thuật, quản lý sản xuất. Đồng thời, cần có kế hoạch từng bước bồi dưỡng, đào tạo, đề bạt cán bộ nữ tham gia cơ quan lãnh đạo các ngành, nhất là những ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục, thương nghiệp, công nghiệp nhẹ, toà án, ủy ban, đoàn thanh niên lao động, công đoàn. Đặc biệt, các cấp ủy cần chú ý giúp củng cố các cơ sở Hội vững chắc, bồi dưỡng cán bộ cơ sở có trình độ và năng lực hoạt động.
Các cấp ủy Đảng ở cơ sở phải bảo đảm cho tổ chức phụ nữ ở cơ sở có sinh hoạt riêng thường kỳ và hướng dẫn nội dung sinh hoạt, bảo đảm quyền dân chủ của quần chúng phụ nữ.
Các cấp ủy cần coi trọng nguyên tắc tổ chức của Hội, bảo đảm cho các đồng chí cấp ủy phụ trách phụ nữ có điều kiện đi sâu vào công tác phụ nữ; khi rút cán bộ chủ chốt của các cấp Hội để bổ sung cho các ngành, cần cân nhắc kỹ và trao đổi ý kiến với đảng đoàn phụ nữ cấp trên, đồng thời có thời gian chuẩn bị người thay thế.
- Các cấp ủy cần tăng cường lãnh đạo các ngành làm tốt công tác phụ vận. Chú trọng tổ chức tốt đời sống cho phụ nữ, trẻ em, nhất là ở những địa phương phải chiến đấu căng thẳng. Coi trọng việc tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo, chăm sóc và dạy dỗ con em liệt sĩ, trẻ em mồ côi vì tai nạn chiến tranh.
- Các cấp ủy cần phân công một đồng chí thường vụ phụ trách dân vận. Từng thời gian, nên có hội nghị liên tịch giữa các đoàn thể và các ngành có liên quan để bàn những vấn đề cần thiết và phân công trách nhiệm cụ thể”….
Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng | T/M BAN BÍ THƯ LÊ VĂN LƯƠNG |
NGHỊ QUYẾT
CỦA BAN BÍ THƯ
Số 152 - NQ/TW ngày 10 tháng 1 năm 1967
Về một số vấn đề về tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận
(Trích trong Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, NXB Chính trị quốc gia, H.2003, tr.9-21)
[…]3. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài, đối chiếu với sự phát triển rộng lớn của phong trào “Ba đảm đang” hiện nay, công tác cán bộ nữ của chúng ta còn chưa đáp ứng tốt, và vẫn còn rất nhiều thiếu sót và nhược điểm.
a) Phong trào phụ nữ đã vùng dậy và đang được khởi động mạnh mẽ trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, nhưng phong trào đó chưa được phát huy một cách triệt để; sự phát triển của đội ngũ cán bộ nữ còn chậm, chưa đi kịp sự phát triển của phong trào phụ nữ. Số cán bộ nữ tham gia các cương vị lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước càng phát triển chậm hơn. Việc sử dụng cán bộ nữ ở rất nhiều nơi chưa tốt, việc đề bạt các chị em lên các cương vị công tác còn rất rụt rè; đánh giá cán bộ nữ, nhất là đánh giá các chị em trẻ tuổi mới xuất hiện trong phong trào còn chưa đúng mức. Có những trường hợp cán bộ phụ trách chẳng những không khuyến khích, động viên phát huy những ưu điểm của chị em, mà còn khinh thường, thành kiến, không lắng nghe ý kiến phê bình đúng đắn của chị em, kìm hãm sự tiến bộ của chị em. Trong cán bộ nữ cũng còn có những biểu hiện hẹp hòi ngay đối với việc đề bạt, sử dụng cán bộ nữ.
b) Đội ngũ cán bộ nữ nói chung là tốt, trình độ mọi mặt so với trước đã tiến bộ khá nhiều, nhưng so với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng còn có những nhược điểm cần khắc phục.
Số chị em đã được rèn luyện thử thách qua kháng chiến nói chung có trình độ chính trị, có lập trường tư tưởng vững vàng, có kinh nghiệm và phương pháp vận động quần chúng, có tinh thần bền bỉ phấn đấu, nhưng một bộ phận chị em tuổi cao, sức khoẻ bị giảm sút, trình độ văn hoá thấp, tiếp thu khoa học kỹ thuật chậm, chuyên môn, nghiệp vụ còn yếu. Nhiều ngành, nhiều cấp ủy chưa quan tâm bồi dưỡng các chị em này một cách tích cực.
Những chị em mới được đào tạo từ sau hòa bình chiếm số đông trong đội ngũ cán bộ nữ; nói chung chị em tuổi còn trẻ, có nhiệt tình hăng hái, có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật hoặc chuyên môn nghiệp vụ khá và ngày càng phát huy tính tích cực của mình; nhiều chị em qua công tác thực tế cũng đã được rèn luyện thử thách tốt. Tuy nhiên, một bộ phận nhất là số chị em mới ở trường ra, chưa qua lao động sản xuất, hoặc thời gian công tác còn ít, kinh nghiệm công tác lãnh đạo và quản lý còn thiếu, trình độ chính trị còn yếu; đối với số chị em này nhiều nơi cũng chưa nhận rõ những yếu điểm, bản chất tốt và khả năng tiến bộ nhanh chóng của chị em, nên chưa coi trọng tận dụng mọi khả năng của chị em, cũng như chưa giúp đỡ chị em khắc phục nhược điểm của mình một cách cụ thể để sử dụng được tốt hơn.
c) Nội bộ đội ngũ cán bộ nữ nói chung là tốt, phần đông chị em đã cố gắng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và đã đạt nhiều thành tích xuất sắc; tuy vậy, vẫn còn có những chị em chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, nên còn tự ti, ỷ lại, tinh thần phấn đấu chưa cao, hoặc còn mắc bệnh hẹp hòi, kém đoàn kết; một số chị em còn bị tụt lùi trong công tác.
Những mâu thuẫn và nhược điểm trên đây có nhữngnguyên nhân về khó khăn khách quan, về điều kiện lịch sử, kinh tế và ảnh hưởng của xã hội cũ; nhưng vấn đề quan trọng đáng quan tâm là về mặt chủ quan, chúng ta còn phạm nhiều khuyết điểm trong việc chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách cán bộ của Đảng:
- Nhiều cấp, nhiều ngành trước đây và ngay cả hiện nay vẫn chưa xác định rõ vị trí quan trọng của công tác cán bộ nữ trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng, chưa nhận rõ yêu cầu bức thiết của việc mở rộng và nâng cao đội ngũ cán bộ nữ trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói riêng, nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác nói trên.
Những tư tưởng phong kiến bảo thủ, hẹp hòi, đánh giá thấp vai trò và vị trí của phụ nữ, coi thường khả năng của phụ nữ và cán bộ nữ trong nhiều ngành, nhiều cấp, nhất là cơ sở chưa được giải quyết tốt; đây là một trở ngại lớn đối với việc sử dụng, đề bạt, bồi dưỡng cán bộ nữ.
- Chúng ta thiếu quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chưa kịp thời đề ra những biện pháp mấu chốt có hiệu lực để tăng cường công tác cán bộ nữ; việc quản lý cán bộ nữ còn chưa tốt; một số chế độ, chính sách cụ thể cũng chưa được kịp thời bổ sung. Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nghị quyết đối với công tác cán bộ nữ còn thiếu chặt chẽ và thường xuyên.
[…]
Cụ thể cần chú trọng:
1. Đánh giá đúng đắn cán bộ nữ, kiên quyết và mạnh bạo sử dụng, đề bạt cán bộ nữ, kiên trì đấu tranh chống tư tưởng phong kiến, hẹp hòi trong việc đề bạt, sử dụng cán bộ nữ
a) Tư tưởng phong kiến, bảo thủ, hẹp hòi còn khá phổ biến, hiện nay trong việc sử dụng, đề bạt cán bộ nữ; các cấp ủy, các đảng đoàn, các tổ chức cơ sở của Đảng cần đấu tranh chống những tư tưởng ấy, coi đó là biện pháp trọng yếu trong công tác cán bộ để đẩy mạnh công tác cán bộ nữ, thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển nhanh chóng hơn nữa. Cần nhận rõ rằng thực hiện quyền bình đẳng thật sự giữa nữ và nam phải thể hiện trong thực tiễn công tác và đời sống mà biểu hiện cụ thể trước hết là trong việc đưa phụ nữ tham gia đông đảo vào công việc tổ chức lãnh đạo và quản lý kinh tế, văn hoá, đời sống, lãnh đạo và quản lý nhà nước. Những tư tưởng coi thường khả năng của phụ nữ, nhất là coi thường khả năng lãnh đạo và quản lý của chị em, ít chú trọng sử dụng, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ một cách chủ động và có kế hoạch; những tư tưởng không muốn hoạt động dưới sự phụ trách của cán bộ nữ, chỉ phục tùng nam, không phục tùng nữ trong cán bộ, nhất là trong nam giới, những biểu hiện "níu áo nhau" trong khi phụ nữ được đề bạt, nhất là trong một số cán bộ nữ, đều cần được phê phán nghiêm khắc.
Phụ nữ nước ta có truyền thống cách mạng lâu đời, chị em nói chung, nhất là trong công nông có ưu điểm căn bản là cần cù, đảm đang, chân thực, có đức tính liêm khiết, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong dân chủ. Chị em lại giàu tình cảm, có lòng vị tha, hiểu rõ khó khăn, tâm lý, sinh hoạt quần chúng phụ nữ và quần chúng nói chung, để động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cần nhận rõ những ưu điểm căn bản có tính chất phổ biến trên đây của phụ nữ để phát huy, đồng thời thấy rõ những nhược điểm, khó khăn và điều kiện thực tế về chất, sức khoẻ, về điều kiện sinh đẻ và công việc gia đình của phụ nữ để phân công và bố trí công tác thích hợp, và tạo điều kiện để giúp chị em khắc phục khó khăn.
Trong khi vận dụng tiêu chuẩn đạo đức và tài năng đối với cán bộ nữ cần chống khuynh hướng bảo thủ, phiến diện và hẹp hòi. Khuynh hướng đó là do tư tưởng phong kiến, tư sản, khinh thường phụ nữ, thiếu quan điểm quần chúng trong công tác cán bộ, không đánh giá đúng đắn đạo đức và khả năng của phụ nữ, nhìn đức và tài một cách phiến diện như đòi hỏi phụ nữ phải có đủ điều kiện hoạt động như nam giới, nhưng lại không có biện pháp giúp chị em giải quyết khó khăn thực tế, không thấy rõ đức tính, khả năng, tác dụng của chị em đối với công tác vận động phong trào quần chúng, thiếu tin vào khả năng, nhất là khả năng lãnh đạo và quản lý kinh tế, văn hóa của chị em.
Phong trào quần chúng trong thực tiễn đã đào tạo ra hàng triệu quần chúng phụ nữ ưu tú có thể đảm đang mọi nhiệm vụ lãnh đạo, nhất là ở cơ sở. Phải thấy rõ lực lượng to lớn để sử dụng chị em một cách đúng đắn, đưa hàng loạt chị em lên các cương vị thích đáng. Nếu nơi nào cán bộ nam chưa nhận ra được một cán bộ nữ ưu tú nào đó, thì cán bộ nữ phải đề xuất ý kiến với tổ chức đảng, cán bộ cấp trên phải giúp cho cấp dưới thấy rõ lực lượng ưu tú trong đội ngũ cán bộ.
b) Nhiệm vụ trước mắt của các cấp ủy Đảng, các cơ quan của Đảng và Nhà nước là phải xem xét lại một cách có hệ thống công tác sử dụng, đề bạt cán bộ nữ ở địa phương mình, ngành mình, cơ quan mình. Và trong thời gian tới phải có kế hoạch để đề bạt hàng loạt cán bộ nữ lên các cương vị thích đáng, nhất là ở cơ sở, đồng thời điều chỉnh lại sự phân công không hợp lý, kiên quyết đề bạt những chị em có đủ điều kiện đảm nhiệm những chức vụ nặng hơn trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước ở tất cả các ngành, các cấp.
Trong việc sử dụng cán bộ nữ, cần chú trọng:
- Bố trí chị em ở những ngành nghề và công tác thích hợp để chị em phát huy tốt nhất tài năng của mình.
- Chú trọng phương hướng chuyên môn hóa cán bộ, tránh thay đổi ngành nghề công tác của chị em một cách tùy tiện làm gây thêm khó khăn cho chị em.
- Bảo đảm điều kiện sức khỏe để chị em đủ sức phục vụ lâu dài. Cần tránh bố trí ở các công tác phải lưu động quá nhiều, phải lao động quá sức, hoặc những công tác phải tiếp xúc với chất độc có ảnh hưởng đến sinh lý và sức khỏe của phụ nữ. Trong những lúc hành kinh, thai nghén phải phân công hợp lý và có chế độ tạo điều kiện cho chị em bảo đảm sức khỏe.
[…]
2. Ra sức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, kịp thời đáp ứng yêu cầu về mở rộng và nâng cao đội ngũ cán bộ
a) […]
Yêu cầu của công tác cán bộ nữ trước hết là qua phong trào sản xuất, chiến đấu và công tác thực tế phải đào tạo một đội ngũ cán bộ nữ đông đảo, nhất là đội ngũ cán bộ nữ trẻ, xuất thân công, nông, trí thức cách mạng, hoạt động trên các lĩnh vực, vừa có trình độ chính trị tư tưởng tốt, vừa có trình độ văn hoá, chuyên môn kỹ thuật, quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước và biết làm công tác vận động quần chúng phụ nữ.
Cán bộ chuyên trách làm công tác phụ vận, ngoài trình độ chính trị và phương pháp vận động quần chúng, phải được bồi dưỡng để có những hiểu biết nhất định về mặt sản xuất, chuyên môn kỹ thuật để làm tốt công tác vận động quần chúng và có thể tham gia các công tác lãnh đạo, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước khi cần thiết. Cán bộ nữ làm công tác quản lý chuyên môn kỹ thuật phải được bồi dưỡng thêm về trình độ chính trị, về công tác vận động quần chúng, nhất là về công tác vận động phụ nữ và phải có hiểu biết nhất định về chuyên môn nghiệp vụ, nếu là cán bộ quản lý, hoặc về quản lý nếu là cán bộ kỹ thuật. Ai thiếu mặt nào thì cần có kế hoạch bồi dưỡng dần từng bước về mặt ấy với tinh thần tích cực.
Đối với các cán bộ đứng tuổi, điều kiện đi học dài hạn có hạn chế và những chị em công tác lưu động, thì chú trọng mở các đợt bồi dưỡng, học tập văn hóa chuyên môn ngắn ngày. Ngoài các lớp hoặc buổi học tập trung, tại chức,v.v. cần đặc biệt chú trọng các hình thức bồi dưỡng, đào tạo trong công tác thực tế.
Đối với chị em phụ nữ người dân tộc, do đặc điểm về phong tục, tập quán, về trình độ và tâm lý ở nhiều vùng có khác nhau, cho nên phải có biện pháp rất linh hoạt và chính sách cụ thể, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho chị em học tập tốt. Chú trọng mở các trường lớp ngắn ngày ở các khu vực trong tỉnh và ở các huyện để thu hút nhiều chị em tham gia học tập…
c) Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ trẻ tuổi, nhất là cơ sở
[…]
Các chi bộ và tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức củacông đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ nữ ở cơ sở nông thôn, xí nghiệp và cả trong các cơ quan, trường học, v.v. Phải coi trọng công tác phát triển đảng viên vào phụ nữ, nhất là nữ thanh niên. Qua công tác phát triển đảng, qua việc giáo dục nữ đảng viên, đoàn viên và qua thực tiễn công tác cần làm cho chị em nhận rõ con đường tiến lên của cách mạng, nhận rõ yêu cầu của Đảng đối với người nữ đảng viên, đoàn viên và nữ cán bộ, giáo dục ngay từ đầu cho chị em ý chí phấn đấu kiên trì, nhẫn nại khắc phục khó khăn trong công tác và học tập. Cần chỉ rõ cho chị em thấy những khó khăn sau này khi có chồng con hoặc khi có nhiệm vụ khó khăn phức tạp Đảng giao cho, để chị em ngay từ đầu có ý thức vươn lên một cách đầy đủ. Đồng thời phải quan tâm lãnh đạo công đoàn, hợp tác xã, coi trọng giúp đỡ chị em giải quyết các khó khăn trong sinh hoạt và đời sống. Phải lãnh đạo tốt phong trào bổ túc văn hóa đối với phụ nữ, nhất là ở cơ sở theo chỉ thị đã có của Ban Bí thư. Cần phát triển các trường lớp “Ba đảm đang” ở khắp các xã, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường. Ở các cơ quan, bệnh viện, trường học cũng cần nghiên cứu để tăng cường hình thức bồi dưỡng, đào tạo nữ cán bộ, công nhân, nhân viên bằng cách tổ chức các lớp ngắn ngày, học tại chức, v.v. Từ trong phong trào quần chúng, trong công tác thực tế, cần kịp thời lựa chọn những chị em là nữ thanh niên xuất sắc, có thành tích, là anh hùng, chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến, những chị em ưu tú trong phong trào "ba đảm đang" và "ba sẵn sàng" (chú trọng thích đáng những chị em có triển vọng, là vợ con liệt sĩ, hoặc bản thân các gia đình dưới chế độ cũ có nghèo khổ...) để bồi dưỡng, đào tạo thành cán bộ hoặc giao cho chị em những nhiệm vụ nặng hơn. Phải mạnh dạn cân nhắc các chị em đó vào cương vị công tác, coi đó cũng là một yêu cầu quan trọng để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ.
[…]
Cần lấy thực tiễn của phong trào phụ nữ và gương sáng của nữ cán bộ, đảng viên và quần chúng phụ nữ để giải quyết những tư tưởng phong kiến, hẹp hòi, coi thường phụ nữ... trong cán bộ, đảng viên; phê phán một cách nghiêm khắc những biểu hiện thiếu lập trường, quan điểm vô sản trong việc nhận thức và đánh giá cán bộ nữ hiện còn khá phổ biến trong nhiều cán bộ nam. Đồng thời, đối với những biểu hiện tiêu cực như tự ti, an phận, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, hẹp hòi, kém đoàn kết trong một bộ phận phụ nữ và một số cán bộ nữ cũng cần được giải quyết tốt; cần nhận rõ rằng vấn đề cán bộ nữ cũng như vấn đề giải phóng phụ nữ chỉ có thể giải quyết tốt trên cơ sở phụ nữ thật sự có ý thức tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, thực sự làm chủ đất nước.
Cần phát huy truyền thống cách mạng của phụ nữ nước ta, bằng cách tổ chức cho cán bộ nam nữ và quần chúng phụ nữ rộng rãi học tập những gương sáng rất phổ biến về cán bộ và quần chúng phụ nữ trong nước ta, hoặc ở từng địa phương…”
Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng | T/M BAN BÍ THƯ LÊ ĐỨC THỌ |
NGHỊ QUYẾT
CỦA BAN BÍ THƯ
Số 153 – NQ/TW, ngày 10 tháng 1 năm 1967
Về công tác cán bộ nữ
(Trích trong Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, NXB Chính trị quốc gia, H.2003, tr.22-48)
[…] 2. Trong chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ Việt Nam đã góp phần công lao xứng đáng cả ở hậu phương và tiền tuyến, giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phải phát huy đầy đủ vai trò làm chủ tập thể của phụ nữ nước ta trong ba cuộc cách mạng, phụ nữ cùng nam giới nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Làm chủ tập thể là biểu hiện cao nhất của sự bình đẳng nam, nữ. Phụ nữ Việt Nam ta đang phát huy truyền thống từ ngàn xưa “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”. Cần bồi dưỡng những đức tính quý báu sẵn có của phụ nữ Việt Nam, làm cho người phụ nữ có giác ngộ cao và có năng lực làm chủ tập thể, thể hiện rõ được tinh thần và năng lực ấy trong sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Đại hội không chỉ nêu ra nhiệm vụ chính trị chung mà phải chỉ ra được những vấn đề mới, thiết thực và sinh động đang đặt ra trước phong trào phụ nữ trong cả nước, những công việc thích hợp với điều kiện, khả năng của phụ nữ mà Hội Liên hiệp phụ nữ cần động viên, tổ chức một cách sâu, rộng như trong nông nghiệp, làm tốt chăn nuôi, chăm sóc cây trồng, trong công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, làm hàng thủ công, mỹ nghệ, trong các hoạt động văn hóa, xã hội trong các ngành dịch vụ, v.v. Trong những loại công việc ấy, chị em phụ nữ có khả năng và phải làm thật tốt, với chất lượng cao. Trong tình hình mới hiện nay, chị em phụ nữ lại tiếp tục động viên chồng, con đi chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, thay thế chồng con làm nhiệm vụ ở hậu phương…
Phụ nữ phải chủ động tham gia quản lý ở các cấp, nhất là ở cơ sở; đấu tranh kiên quyết giữ cho tài sản của Nhà nước và của tập thể khỏi bị ăn cắp, lãng phí và cũng là giữ cho con người khỏi bị hư hỏng, kiên quyết chống những biểu hiện tiêu cực trong xã hội.
Phụ nữ có vai trò lớn trong cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa. Giữ gìn văn hóa dân tộc, xây dựng con người mới chính là nhiệm vụ của phụ nữ. Mẹ hiền, mẹ khỏe thì đẻ và nuôi dạy con khỏe, con ngoan. Làm cách mạng là để cho mọi người có hạnh phúc. Muốn có hạnh phúc thì đời sống vật chất và tinh thần phải tốt; muốn được no đủ thì mọi người phải lao động với năng suất cao. Hạnh phúc còn phải thể hiện ở tình thương trong từng gia đình, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Tiêu biểu cho tình thương là người phụ nữ. Cho nên phải ra sức xây dựng tình thương, làm cho mỗi gia đình Việt Nam đều có hạnh phúc, toàn thể dân tộc ta sống hạnh phúc.
Đẻ con và nuôi con là chức năng riêng của phụ nữ. Nhưng Đảng, Nhà nước, toàn xã hội phải chăm lo đời sống sức khỏe của phụ nữ. Hội phụ nữ phải cùng với công đoàn, ngành thương nghiệp, cơ quan bảo vệ bà mẹ và trẻ em và các ngành có liên quan cùng chính quyền địa phương tổ chức tốt các nhà trẻ, tổ chức tốt việc chế biến và cung ứng lương thực, thực phẩm, cố gắng giảm bớt khó khăn cho phụ nữ trong đời sống hằng ngày. Các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền phải theo dõi và chỉ đạo chặt chẽ vấn đề này.
3. Đại hội phụ nữ toàn quốc không những phải động viên, cổ vũ phong trào nói chung, mà điều rất quan trong là phải phổ biến được những bài học thực tế sinh động, những kinh nghiệm tốt trong công tác vận động phụ nữ ở các ngành, các địa phương, có những kiến nghị thiết thực với Đảng và Chính phủ để giải quyết tốt các vấn đề về tổ chức và chính sách có quan hệ đến lao động, công tác và đời sống của phụ nữ. Trong đại hội cũng cần có đấu tranh, phê phán những tư tưởng sai lệch hoặc những thiếu sót có tính chất phổ biến của các ngành, các cấp và của hội đối với phong trào phụ nữ”…
Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng. | K/T CHÁNH VĂN PHÒNG PHÓ VĂN PHÒNG NGUYỄN KHÁNH |
THÔNG BÁO
Số 08-TB/TW, ngày 20 tháng 9 năm 1978
Ý kiến của Ban Bí thư về Đại hội phụ nữ toàn quốc
(Trích trong Văn kiện Đảng toàn tập, tập 39, NXB Chính trị quốc gia, H.2005, tr. 403- 408)
“Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã có cống hiến vẻ vang vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đưa sự nghiệp giải phóng phụ nữ tiến lên đạt được kết quả to lớn. Từ phong trào cách mạng của quần chúng phụ nữ và những thành tựu của ba cuộc cách mạng đã hình thành một đội ngũ cán bộ nữ đông đảo đang phát huy vai trò tích cực trên mọi lĩnh vực hoạt động. Đáng chú ý là lực lượng nữ cán bộ khoa học - kỹ thuật tăng nhanh, chiếm tỉ lệ khá cao: 50% trong số cán bộ có trình độ trung cấp, 30% trong số cán bộ có trình độ đại học. Sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ nữ đánh dấu bước tiến quan trọng của việc thực hiện nam nữ bình đẳng, xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động nước ta.
Bên cạnh kết quả đáng phấn khởi như trên, tình hình cán bộ nữ thời gian gần đây có những hiện tượng đáng quan tâm: tỉ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý và lãnh đạo giảm sút, nhất là trong các cơ quan quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước; cán bộ nữ hiện đang giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở cấp tỉnh, thành và Trung ương phần nhiều lớn tuổi nhưng diện cán bộ kế cận rất ít; tỉ lệ đảng viên nữ ở nhiều nơi cũng giảm, nhiều xã ở một số tỉnh miền Nam, ở miền núi chưa có đảng viên nữ.
Đội ngũ cán bộ nữ phát triển chậm, thiếu vững chắc và tỉ lệ cán bộ nữ trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước quá thấp, không tương xứng với sự phát triển của lực lượng lao động nữ và cán bộ nữ, đã ảnh hưởng không tốt đến việc phát huy quyền làm chủ của đông đảo quần chúng phụ nữ.
Tình hình trên đây do nhiều nguyên nhân:
- Công tác cán bộ nữ cũng như công tác tổ chức cán bộ nói chung chưa theo kịp yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.
- Nhiều cấp ủy Đảng và lãnh đạo các ngành buông lỏng việc chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ.
Trong các cấp, các ngành còn những nhận thức quan điểm lệch lạc, chưa thấy rõ vai trò, tác dụng của cán bộ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng; còn tư tưởng phong kiến coi thường phụ nữ, đối xử thiếu công bằng với chị em từ việc nhận xét đánh giá đến sử dụng, đào tạo, đề bạt, kỷ luật; chưa thông cảm hết những khó khăn riêng của cán bộ nữ, không tích cực tạo điều kiện để chị em phát huy được khả năng trên vị trí công tác của mình. Bản thân các cấp phụ nữ cũng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề cán bộ nữ, và ngay trong cán bộ nữ cũng có một số chị em còn tư tưởng hẹp hòi kèn cựa nhau.
- Đại đa số cán bộ nữ có ưu điểm cơ bản là nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm, kiên trì, chịu khó, nhưng cũng có một số chị em thiếu ý chí vươn lên, phấn đấu không liên tục, bị những khó khăn trở ngại trước mắt làm chùn bước.
[…] Hội Liên hiệp phụ nữ cần phấn đấu xây dựng một đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, có nhiệt tình và kinh nghiệm vận động quần chúng, có kiến thức về khoa học xã hội, về quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước để phát huy được chức năng nhiệm vụ của Hội và giúp Đảng nghiên cứu, chuẩn bị những đề án về công tác phụ vận.
Để thực hiện phương hướng trên đây, trước mắt, từng cấp, ban ngành rà soát lại số cán bộ nữ đương chức, có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ cụ thể đối với từng người để chị em làm việc tốt, tích cực bố trí, sắp xếp những chị em có đủ tiêu chuẩn vào những cương vị cần thiết. Nơi chưa có điều kiện đề bạt ngay thì tích cực chọn những chị em có triển vọng và có biện pháp bồi dưỡng khẩn trương. Chú ý rà soát lại lực lượng nữ cán bộ khoa học - kỹ thuật trẻ, chủ động đào tạo, bồi dưỡng những chị em có triển vọng về công tác lãnh đạo, công tác quản lý và mạnh dạn sử dụng, sớm giao nhiệm vụ cho chị em từ lúc còn trẻ để chị em có điều kiện phát huy năng lực và trưởng thành”…
Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng | T/M BAN BÍ THƯ Võ Chí Công CHỈ THỊ CỦA BAN BÍ THƯ Số 44 - CT/TW ngày 7 tháng 6 năm 1984 Về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ ( Lược trích trong Văn kiện Đảng toàn tập, tập 45, NXB Chính trị quốc gia, H.2006, tr. 154- 162) |
“Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò và vị trí quan trọng. Giải phóng và phát triển toàn diện phụ nữ là một trong những mục tiêu của cách mạng Việt Nam, có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển của đất nước. Bồi dưỡng lực lượng phụ nữ, phát huy sức mạnh và chăm lo sự phát triển mọi mặt của phụ nữ là nhiệm vụ thường xuyên, rất quan trọng của Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng.
Trong giai đoạn hiện nay, đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phụ nữ là một yêu cầu quan trọng của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và phát triển toàn diện người phụ nữ.
I- TÌNH HÌNH PHỤ NỮ VÀ CÔNG TÁC PHỤ NỮ CỦA ĐẢNG
1. Tình hình phụ nữ
Trong những năm qua, các tầng lớp phụ nữ nước ta, phát huy truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đã đoàn kết, đổi mới sáng tạo trong lao động, công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, làm đẹp thêm những phẩm chất cao quý của phụ nữ Việt Nam: yêu nước, thông minh, cần cù, nhẫn nại, nhân hậu…
Tuy nhiên, trong khó khăn chung của đất nước, phụ nữ đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Một bộ phận đáng kể phụ nữ không có hoặc không đủ việc làm, thu nhập thấp, nhiều chị em còn phải làm việc trong các điều kiện nặng nhọc, độc hại. Sức khỏe phụ nữ nói chung giảm sút, nhiều trẻ em suy dinh dưỡng, không ít trường hợp ngay từ khi còn là bào thai.
Nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ ở miền núi, vùng nông thôn hẻo lánh, mù chữ, tái mù chữ và học vấn thấp còn nhiều. Mức hưởng thụ văn hóa, văn nghệ thấp. Phụ nữ còn bị phân biệt đối xử dưới nhiều hình thức. Phụ nữ là nạn nhân của nhiều tệ nạn xã hội đang có chiều hướng phát triển như: mại dâm, nghiện hút, cờ bạc, mê tín dị đoan … Những khó khăn trên đây đang ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của phụ nữ thế hệ tương lai.
2. Công tác phụ nữ của Đảng
Từ khi thành lập, Đảng đã coi trọng mục tiêu giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình đẳng, đặt sự nghiệp giải phóng phụ nữ gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đảng luôn quan tâm lãnh đạo phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để Hội thực sự là tổ chức đoàn kết các tầng lớp phụ nữ, phát động và hướng dẫn các phong trào cách mạng của phụ nữ, góp phần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động của phụ nữ quốc tế và tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của phụ nữ quốc tế đối với Việt Nam và phụ nữ Việt Nam.
Từ sau Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ VI, Hội đã từng bước đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động theo hướng đa dạng hóa các hình thức tập hợp, giáo dục và tổ chức phong trào hành động, đáp ứng nhu cầu lợi ích thiết thân của phụ nữ. Hai cuộc vận động lớn: “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”, được các tầng lớp phụ nữ nhiệt liệt hưởng ứng bằng nhiều sáng kiến, đã có tác dụng tốt đến cuộc sống và hạnh phúc của nhiều gia đình, góp phần ổn định xã hội.
Nhà nước đã ban hành Quyết định 163 của Hội đồng Bộ trưởng về cơ chế phối hợp giữa các cấp chính quyền với các cấp Hội, đạt hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đến phong trào của phụ nữ.
Song công tác phụ nữ của Đảng và Nhà nước trong bước chuyển giai đoạn đã bộc lộ nhiều thiếu sót: còn nặng về huy động khai thác sự đóng góp của phụ nữ, mà chưa coi trọng đúng mức việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới. Công tác vận động phụ nữ trong các thành phần kinh tế tập thể, cá thể, tư nhân, trong các dân tộc ít người, các tôn giáo, giới trí thức chưa được quan tâm nghiên cứu đầy đủ để có những phương thức vận động phù hợp. Đặc biệt về chính sách đối với cán bộ nữ còn nhiều thiếu sót. Một số cán bộ nữ có phẩm chất và năng lực chưa được bố trí vào các cương vị xứng đáng, chưa được bồi dưỡng chuẩn bị để bổ sung nguồn cán bộ của Đảng và Nhà nước. Mặt khác một bộ phận phụ nữ và cán bộ nữ chưa phấn đấu vươn lên để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Nhìn chung đội ngũ cán bộ nữ đang bị giảm sút, nguồn cán bộ nữ đang bị hẫng hụt.
Những khó khăn của phụ nữ không tách rời khỏi những khó khăn chung của đất nước, song về mặt chủ quan Đảng còn chậm đổi mới công tác vận động phụ nữ, chậm bổ sung, sửa đổi chính sách liên quan đến phụ nữ, chưa tổ chức tốt việc thực hiện đường lối, chính sách đã đề ra về công tác phụ nữ. Trong tư tưởng chỉ đạo, có lúc, có nơi còn thỏa mãn về thành tựu giải phóng phụ nữ trên lĩnh vực chính trị, chưa nhận thức đầy đủ yêu cầu, nội dung giải phóng phụ nữ về kinh tế – xã hội. Tư tưởng phong kiến, gia trưởng, coi thường phụ nữ trong một số đảng viên, trong một bộ phận xã hội và gia đình còn khá nặng. Nhiều cấp ủy còn coi công tác phụ nữ là việc riêng của Hội phụ nữ.
Nhà nước thiếu và chậm thể chế hóa chế độ, chính sách đối với phụ nữ.
Hội phụ nữ chưa bao quát hết các đối tượng phụ nữ, chưa đề xuất đầy đủ và kịp thời với Đảng và Nhà nước để bổ sung sửa đổi một số chế độ, chính sách có liên quan đến phụ nữ.
[…]
II - QUAN ĐIỂM VÀ CÔNG TÁC LỚN
A. Quan điểm
1. Phụ nữ Việt Nam có truyền thống lịch sử vẻ vang, có những tiềm năng to lớn, là một động lực quan trọng của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội. Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Khả năng và điều kiện lao động, trình độ văn hóa, vị trí xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ có ảnh hưởng sâu xa đến sự phát triển của thế hệ tương lai. Vì vậy, phải xem giải phóng phụ nữ là một mục tiêu và nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
2. Mục tiêu giải phóng phụ nữ hiện nay là thiết thực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của chị em, nâng cao vị trí xã hội của phụ nữ, thực hiện tốt nam nữ bình đẳng. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, có kiến thức, năng động, sáng tạo, biết làm giàu chính đáng, quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng, có lòng nhân hậu.
3. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ và công tác phụ nữ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, của toàn xã hội và từng gia đình.
Đường lối giải phóng phụ nữ phải được thể chế hóa và cụ thể hóa trong hệ thống pháp luật, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hội Liên hiệp phụ nữ là tổ chức đại diện cho lợi ích của phụ nữ, là trung tâm tập hợp đoàn kết phụ nữ Việt Nam, hướng dẫn và vận động chị em phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, bình đẳng nam nữ, vì sự phát triển và hạnh phúc của phụ nữ, vì sự nghiệp đổi mới, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh.
B - Một số công tác lớn
1. Giải quyết việc làm, chăm lo đời sống, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người phụ nữ
a) Hướng chính để giải quyết việc làm là có cơ chế, chính sách để tạo những điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tự tạo việc làm. Trong chương trình tạo việc làm phải quan tâm giải quyết việc làm, tăng thu nhập đối với phụ nữ, tăng cường đào tạo mới, đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho phụ nữ. Các cấp chính quyền, các ngành kinh tế, các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm hỗ trợ vốn, giống, thông tin, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm…nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, sử dụng hợp lý nguồn lao động nữ.
b) Chăm lo cải thiện điều kiện lao động, bố trí sử dụng lao động phù hợp với đặc điểm của phụ nữ, tích cực cải tiến công cụ, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm cường độ lao động cho phụ nữ, có chế độ chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, nghỉ ngơi cho phụ nữ.
c) Xây dựng và sửa đổi, hoàn chỉnh các pháp luật, chính sách xã hội có liên quan đến phụ nữ và lao động nữ (Luật Lao động, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, lao động nghĩa vụ công ích, chính sách đào tạo cán bộ nữ …). Khi xây dựng pháp luật, chính sách cần đặc biệt quan tâm đến tính chất đặc thù của lao động nữ là phụ nữ phải thực hiện cả hai chức năng lao động xã hội và lao động sinh đẻ, nuôi dạy con.
d) Có chủ trương, chính sách phù hợp đối với phụ nữ dân tộc ít người, phụ nữ tôn giáo, phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật…
2. Giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, nâng cao trình độ mọi mặt của phụ nữ
a) Các ngành có liên quan phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ phổ biến, hướng dẫn các cấp Hội và phụ nữ những thông tin về pháp luật, chính sách, kinh tế, xã hội, những kinh nghiệm làm vợ, làm mẹ, tổ chức cuộc sống gia đình … giúp phụ nữ nâng cao kiến thức về mọi mặt.
b) Có chính sách bảo trợ để phát triển các tài năng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật… của phụ nữ. Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của phụ nữ.
c) Phấn đấu đến năm 2000 thanh toán nạn mù chữ cho phụ nữ, trước hết là đối với phụ nữ trong độ tuổi quy định, đặc biệt chú trọng xóa nạn mù chữ cho phụ nữ dân tộc ít người và vùng nông thôn hẻo lánh, có biện pháp khắc phục tình trạng bỏ học của các em bé gái. Phấn đấu nâng cao tỉ lệ nữ trong đội ngũ trí thức, chuyên gia bậc cao, nữ quản lý sản xuất, kinh doanh giỏi, thợ lành nghề …
3. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc
Gia đình là tế bào xã hội, có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội và xây dựng con người mới. Phụ nữ giữ vai trò rất quan trọng trong xây dựng gia đình, cần tạo điều kiện để phụ nữ kết hợp hài hòa nghĩa vụ công dân với chức năng người mẹ trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các cơ quan có liên quan đưa vấn đề nghiên cứu gia đình vào chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, thể chế hóa vấn đề gia đình thành chế độ, chính sách, tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các trường học, nhằm nâng cao ý thức của mọi người về nghĩa vụ gia đình.
Nhà nước bổ sung, sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đìnhcho phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội.
4. Công tác cán bộ nữ
Đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nữ thành nhiệm vụ có tính chiến lược trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở quy hoạch, có kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, tạo điều kiện để cán bộ nữ cống hiến và trưởng thành, phấn đấu tăng tỉ lệ nữ trong các cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước, trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, nghệ thuật … Chống coi thường phụ nữ, phân biệt đối xử, khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá, sử dụng, đề bạt cán bộ nữ.
Có chính sách sử dụng và phát huy những tri thức của những nữ chuyên gia giỏi và giàu kinh nghiệm ở độ tuổi nghỉ hưu để họ tiếp tục cống hiến cho xã hội và cho phong trào phụ nữ.
5. Đổi mới nội dung tổ chức và phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam
Tiếp tục đổi mới Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đa dạng hóa hình thức tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Hội theo lứa tuổi, ngành nghề, sở thích, vùng, miền, gắn quyền lợi với nghĩa vụ, hướng dẫn các tầng lớp phụ nữ hoạt động theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh.
6. Tăng cường công tác phụ nữ của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội
Các cấp ủy Đảng thường xuyên chỉ đạo hoạt động của các cấp Hội, tạo điều kiện để Hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhà nước xây dựng chương trình nghiên cứu, và ban hành kịp thời các pháp luật, chính sách có liên quan đến phụ nữ.
Các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức, bồi dưỡng, tuyên truyền, động viên các tầng lớp phụ nữ thực hiện các phong trào hành động cách mạng, chăm lo đời sống, giải quyết và bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ, có chương trình đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ trong đoàn thể và tổ chức mình.
III - TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các cấp ủy đảng, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân và các cấp Hội phụ nữ có trách nhiệm tổ chức quán triệt các quan điểm của Đảng về công tác vận động phụ nữ, cụ thể hóa thành chế độ, chính sách, xây dựng chương trình hành động cụ thể và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, rút kinh nghiệm kịp thời.
Ở những đơn vị có đông nữ và những cơ quan có chức năng tham mưu xây dựng các chế độ, chính sách có liên quan đến phụ nữ và trẻ em phải có cán bộ và tổ chức theo dõi về vấn đề nữ để đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách phù hợp với cơ chế mới.
Đảng đoàn Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và Văn phòng Trung ương giúp Ban Bí thư theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này, hằng năm sơ kết và báo cáo kết quả với Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Nghị quyết này được phổ biến toàn văn đến chi bộ”.
“I - Tình hình phụ nữ và công tác phụ nữ thời gian qua
Trong suốt quá trình cách mạng, Ðảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Ðảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng, các nghị quyết và chỉ thị của Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới.
[…]
Tuy vậy, trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình phụ nữ và công tác phụ nữ còn nhiều mặt hạn chế, đồng thời lại có những vấn đề mới đặt ra với nhiều thách thức.
Do trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp còn thấp, phụ nữ bị hạn chế hơn nam giới về cơ hội có việc làm và thu nhập. Trong nhiều doanh nghiệp, trong các khu công nghiệp tập trung, việc làm của lao động nữ thiếu ổn định, điều kiện lao động, điều kiện sống không được bảo đảm; chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động chưa được thực hiện đầy đủ. Số phụ nữ nông thôn thiếu việc làm, di cư tự phát ra thành phố ngày càng tăng. Ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, tỉ lệ phụ nữ mù chữ, nghèo còn cao, còn bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán lạc hậu. Phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật có hoàn cảnh khó khăn chưa được quan tâm đúng mức.
Cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa một mặt có tác động tích cực, nhưng mặt khác đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội liên quan trực tiếp tới phụ nữ. Phụ nữ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện vai trò người mẹ, người thầy đầu tiên của con người trong điều kiện xã hội và gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi. Phẩm chất đạo đức và một số giá trị truyền thống tốt đẹp có phần bị mai một, lối sống thực dụng có xu hướng phát triển trong một bộ phận phụ nữ. Tình trạng nạo, phá thai trong nữ thanh niên, vị thành niên và lây nhiễm HIV/AIDS trong phụ nữ, trẻ em ngày càng tăng. Bạo lực gia đình, tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, lấy chồng nước ngoài vì mục đích vụ lợi diễn biến phức tạp. Phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái vẫn còn dưới nhiều hình thức.
[…] Nguyên nhân chủ yếu là do:
- Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở nhiều địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế. Ðịnh kiến về giới còn tồn tại dai dẳng trong nhận thức chung của xã hội do ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo và tập tục phong kiến lạc hậu từ lâu đời.
- Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Ðảng về công tác vận động phụ nữ, chưa chủ động nghiên cứu, dự báo và giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội phát sinh liên quan tới phụ nữ. Chủ trương công tác cán bộ nữ chưa được quán triệt, thực hiện đầy đủ trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ, còn có biểu hiện "khoán trắng" công tác phụ nữ cho hội phụ nữ.
- Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng về công tác phụ nữ, cán bộ nữ chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Chính sách chăm lo, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, xây dựng gia đình còn nhiều bất cập.
- Hoạt động của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ chưa giải quyết tốt một số vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là những vấn đề xã hội bức xúc liên quan tới phụ nữ; việc tham mưu, đề xuất với Ðảng và Nhà nước về công tác phụ nữ trong từng thời kỳ còn rất hạn chế. Một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa chủ động vượt khó vươn lên. Trong nội bộ phụ nữ còn có tình trạng níu kéo, chưa ủng hộ nhau.
[…] II - Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp
1 - Quan điểm
1.1- Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.
1.2 - Công tác phụ nữ phải sát hợp với từng đối tượng, vùng, miền, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển đất nước; đồng thời phải chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.
1.3 - Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Ðảng.
1.4 - Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy Đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
2 - Mục tiêu
Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình. Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực.
3 - Nhiệm vụ, giải pháp
3.1 - Nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới
- Quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt về hiệu quả công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị.
- Các cơ quan Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; lên án, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Ðưa nội dung giáo dục về giới, Luật Bình đẳng giới vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các trường chính trị và các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
- Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phấn đấu làm tốt vai trò nòng cốt tham mưu và thực hiện các giải pháp cần thiết để nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bình đẳng giới, khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, níu kéo nhau, nêu cao tình thần tự chủ, đoàn kết, vượt khó vươn lên để không ngừng tiến bộ, đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội.
3.2 - Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ.
- Triển khai thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, bảo đảm tốt hơn quyền lợi chính đáng của phụ nữ, đặc biệt trong các lĩnh vực: lao động - việc làm, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, doanh nghiệp, quan hệ dân sự, đất đai, môi trường, bảo hiểm xã hội, hôn nhân - gia đình, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ - trẻ em.
Quốc hội, cơ quan nhà nước các cấp có cơ chế để Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp chủ động tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án phát triển của quốc gia, bộ, ngành, địa phương.
- Chính phủ và các ngành chức năng nghiên cứu, ban hành một số chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Cụ thể là:
+ Chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới; chính sách khuyến khích đào tạo nghề cho lao động nữ đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và phát huy được thế mạnh của phụ nữ. Có các giải pháp cụ thể để tăng nhanh tỉ lệ phụ nữ được đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề, đại học, sau đại học.
+ Chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ dôi dư khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, phụ nữ nông thôn không còn đất canh tác, phụ nữ nghèo, phụ nữ tàn tật. Chính sách về nhà ở, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp tập trung.
+ Chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa xóa mù chữ, phổ cập các cấp học giáo dục phổ thông, đào tạo nghề, xóa đói, giảm nghèo, tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa. Chính sách hỗ trợ phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật có hoàn cảnh khó khăn.
- Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới. Phát huy vai trò của Quốc hội, Mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách đối với phụ nữ và lao động nữ trong các thành phần kinh tế.
3.3 - Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, cò lòng nhân hậu.
- Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với gia đình, xã hội; đấu tranh xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống có hiệu quả tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình; ngăn ngừa tình trạng lấy chồng nước ngoài bất hợp pháp, vì vụ lợi.
- Coi trọng công tác tư vấn, hòa giải về hôn nhân và gia đình. Thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng tình làng nghĩa xóm, quan tâm, giúp đỡ các gia đình khó khăn, hoạn nạn, người cao tuổi cô đơn, người tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa.
- Xây dựng hệ thống chính sách cơ bản nhằm phát triển gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tiêu chí "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc". Cần chú trọng các lĩnh vực: dân số, kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và HIV/AIDS; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phát triển các dịch vụ hỗ trợ gia đình; cải thiện môi trường sống. Có chính sách thai sản đối với phụ nữ nghèo không có chế độ bảo hiểm xã hội; chính sách phát triển hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo; nâng cao kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con cho các bà mẹ.
- Nghiên cứu và thực hiện việc giáo dục, xây dựng gia đình "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" và giáo dục phẩm chất, đạo đức người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể vận động, hướng dẫn phụ nữ phấn đấu rèn luyện theo các tiêu chí: có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu”.[…]
NGHỊ QUYẾT CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
Số 11- NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007
Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
UỶ VIÊN BCT, THƯỜNG TRỰC BAN BÍ THƯ
Trương Tấn Sang
(Theo tài liệu lưu tại Thư viện của Trung ương Hội LHPN Việt Nam)
LƯỢC TRÍCH MỘT SỐ CÂU CHUYỆN VỀ LỜI KHUYÊN CỦA BÁC HỒ
TRONG VIỆC RÈN LUYỆN PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC NGƯỜI PHỤ NỮ
Kỷ niệm những lần gặp Bác
Lần đầu tiên tôi được gặp Bác vào dịp Người về Đình Bảng nhân kỷ niệm các vị vua nhà Lý. Đó là ngày 13 tháng 9 năm 1945. Hôm ấy, Bác ân cần thăm hỏi bà con và nhắc nhở dân làng rằng: “Trong lúc này, nước ta phải cùng một lúc chống ba thứ giặc. Đó là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Thế thì chúng ta phải làm thế nào? Chỉ có một cách là phải tiết kiệm. Tiết kiệm thời gian và tiết kiệm tiền của, không ăn uống lãng phí, ra sức tăng gia sản xuất. Hai là, để diệt giặc dốt, các cô các chú phải mở các lớp bình dân học vụ, trong gia đình vợ chưa biết chữ thì chồng bảo, em chưa biết chữ thì anh bảo, bố mẹ chưa biết chữ con cái bảo. Ba là các cô các chú phải lập các đội tự vệ và phải chăm chỉ luyện tập để chống giặc ngoại xâm”.
Bác còn nói: “Ở đây, các cô các chú nên vận động những nhà giàu có để họ ủng hộ gạo cho những người nghèo đói”...
(Trích lời kể của bà Nguyễn Thị Đồng - nguyên Bí thư chi bộ xã Đình Bảng - Tiên Sơn - Bắc Ninh)
Nhớ những lần gặp Bác
Một hôm, chị Như Quỳnh và tôi được cử đến xin ý kiến Bác về tờ báo Tiếng gọi phụ nữ sắp xuất bản. Bác hỏi chúng tôi:
- Các cô có con chưa?
- Dạ chưa ạ!
- Thế các cô có biết quấn tã cho bé không?
Chúng tôi còn lúng túng chưa kịp trả lời, Bác bảo:
- Viết báo phụ nữ không thể cứ ngồi trong bốn bức tường rồi nghĩ ra viết điều này điều nọ, mà phải viết về những chuyện, những việc cụ thể, thiết thực trong đời sống hàng ngày của phụ nữ, của bà mẹ, của trẻ em.
(Trích lời kể bà Thanh Thủy - Phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam thời kỳ 1945-1946)
Cán bộ nữ phải tự học tập nâng cao trình độ
Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ I được tổ chức sau Đại hội Công đoàn toàn quốc và tôi được phân công là Trưởng ban tổ chức Đại hội. Bác đã đến cơ quan Phụ vận Trung ương để nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị Đại hội. Bác dặn dò phải rút kinh nghiệm Đại hội Công đoàn để tổ chức mọi mặt cho tốt hơn nữa... Bác đã góp ý với Đảng đoàn Phụ nữ trung ương: Các cô phải nói lên được tinh thần yêu nước của phụ nữ các tầng lớp, nói lên công lao của phụ nữ nông dân cần cù lao động sản xuất sao huy động được nhiều hơn nữa sự đóng góp của phụ nữ cả nước cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Đi đôi với động viên, các cô phải chăm lo quyền lợi thiết thực cho phụ nữ. Chỉ có phụ nữ mới chăm lo được cho phụ nữ. Các chú ấy không lo được cho các cô đâu...
Từ khi hòa bình, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ II và lần thứ III và hai lần này tôi vẫn là Trưởng ban Tổ chức Đại hội. Trong công tác phụ vận, tôi đã ghi nhận nhiều lời dạy của Bác. Bác nói về mục tiêu phấn đấu của người nữ cán bộ Hội. Bác có những ý kiến cụ thể: “ Các cô phải chống phong kiến, chống mê tín dị đoan và hủ tục lạc hậu. Góp phần giải quyết nạn mù chữ, nạn thất nghiệp cho phụ nữ. Các cô đừng tự ti, đừng hay khóc. Cách mạng là phải đấu tranh, đưa nước mắt ra không giải quyết được gì đâu. Hội Phụ nữ là tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của chị em. Cuộc sống của họ phải gắn với Hội, Hội phải lo cho họ. Các cô phải đi vào quần chúng phụ nữ để thấy họ đang gặp khó khăn gì, họ được cái gì và chưa được cái gì. Từ đó nghĩ cách học tập nâng cao trình độ, không dựa vào người khác được đâu. Đảng chỉ giúp một phần mà bản thân mình phải gỡ là chính”.
(Trích lời kể bà Hà Thị Quế - Nguyên Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam)
Bác Hồ đến
Đầu tháng Tư năm 1950, vào một buổi sáng đầu mùa hè, ánh nắng pha sương mờ của rừng núi Việt Bắc đang lan tỏa trên mái nhà hội trường Đại hội, tôi được biết: “Bác Hồ sẽ đến thăm Đại hội sáng nay”. Nghe tin lòng tôi bàng hoàng, mong chờ, hồi hộp.
Có còi tập hợp, các đoàn báo tin chị em đại biểu lên tập trung ở hội trường chờ đón Bác... Độ một tiếng sau, Bác vào hội trường ngồi vào bàn Chủ tịch đoàn, toàn hội trường đứng dậy vỗ tay không ngớt, Bác giơ tay bảo: “Các cô ngồi xuống, nào bây giờ tất cả các cô muốn hỏi gì thì Bác trả lời.” Mọi người đương chuẩn bị thì Bác đã nói ngay: “Trước khi các cô hỏi, Bác hỏi: Lúc đón Bác ở cửa hội trường có một số các cô tự vệ bồng súng gác ăn mặc rất đẹp, vậy Bác hỏi nếu máy bay Pháp đến bắn phá, các cô có biết bắn súng bắn máy bay không?” cả hội trường cười ồ vì thực sự đây là những chị em khỏe mạnh được chọn ăn mặc chỉnh tề để có hình thức đón chào Bác cho long trọng. Bác cũng cười rồi nói: “Nào các cô hỏi Bác đi”. Chị em đua nhau giơ tay. Đoàn nào cũng có người hỏi tình hình trong nước, thế giới đến kinh nghiệm công tác phụ vận ở từng vùng. Riêng tôi chỉ còn nhớ nhất hai ý kiến trả lời của Bác. Ý kiến thứ nhất của một đại biểu hỏi Bác về công tác phụ vận rất khó khăn, có nơi không được cấp ủy quan tâm. Bác bảo: “Cán bộ phụ nữ phải có trán cao su kiên trì thuyết phục không sợ gian khổ, đi sâu đi sát quần chúng”. Ý kiến thứ hai, một đại biểu mạnh dạn hỏi Bác: “Thưa Bác, Bác có lấy vợ không ạ? Tiêu chuẩn bác gái như thế nào ạ?”. Cả hội trường đều ngẩng nhìn về phía đồng chí Cẩm Thạch vừa hỏi Bác tỏ vẻ lo ngại. Nhưng Bác cười vang: “Cô nào hỏi đấy? Có chứ. Tiêu chuẩn thứ nhất là đẹp, thứ hai là phải tốt, nói thế chứ Bác thấy khó lắm”. Cả hội trường lại cười vang...
(Trích lời kể của bà Nguyễn Thị Lan Anh - nguyên Phó Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam)
Ký ức về Bác
Trong khoảng thời gian từ năm 1951-1952, tôi còn được gặp Bác khá nhiều lần. Có lần tôi lên chơi nhà Bác ở rất cao, trèo lên các bậc thang chót vót. Tôi hay đem chuyện công tác của mình ra hỏi ý kiến Bác. Tôi kể Bác nghe: có chị phụ nữ là cán bộ không chồng mà có con. Chị bị lên án, kỷ luật không được làm việc nữa, chị khóc ghê lắm, chúng tôi không biết làm thế nào. Bác nghe chuyện im lặng một lúc rồi nói: “Ở bên các nước châu Âu thì chuyện đó là chuyện riêng, không có gì nhưng ở Việt Nam ta vì nhiều lý do nên phải gìn giữ. Trình độ quần chúng còn thấp, chưa thể thay đổi tư tưởng quần chúng ngay lập tức được. Các cô là cán bộ phong trào hết sức nên tránh chuyện đó thì mới giữ được uy tín, nói bà con mới nghe. Thế rồi dần dần ta sẽ đưa trình độ của quần chúng lên, lúc đó mọi việc sẽ khác. Tuy nhiên cũng nên giúp đỡ người ta lúc sinh nở, khó khăn, đừng quá thành kiến làm người ta sinh quẫn...”.
... Tôi có nhiều dịp được chứng kiến Bác tiếp các đoàn đại biểu phụ nữ các nước anh em. Một lần, Bác tiếp đoàn đại biểu phụ nữ châu Phi. Chị em ăn mặc theo lối cầu kỳ. Trong câu chuyện của mình, Bác có hỏi: “Quần áo các cô may bằng vải gì?”. Các chị trả lời: “Thưa Bác, bằng vải của Pháp ạ!”. Bác hỏi: “Thế trong nước các cháu, công nghiệp dệt thế nào?”. “Cũng có ạ, nhưng vải không được đẹp thế này”.
Bác nói: “Đúng, vì đất nước các cô cũng như Việt Nam, còn đang phải xây dựng. Phải dần dần rồi các thứ mới đẹp, mới tốt được. Nhà máy dệt của Việt Nam bây giờ dệt được nhiều vải đẹp rồi. Bác sẽ tặng các cô một ít”. Bác cười cười nói thêm: “May quần áo dân tộc phải bằng vải “dân tộc” chứ!”
Khi tiễn đoàn về, Bác tặng các chị mấy xấp vải của nhà máy dệt Nam Định. Bác giáo dục tinh thần dân tộc, tinh thần tự lực tự cường bằng cách nói chuyện như thế đó, không làm ai tự ái cả.
(Trích lời kể bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh - nguyên cán bộ Phụ nữ cứu quốc ở Việt Bắc, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao)
Bác để lại cho phụ nữ muôn vàn tình thương yêu
Tháng Tư năm 1950, Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất họp để hợp nhất Đoàn phụ nữ Cứu quốc vào Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tôi được cử trong Ban tổ chức trực tiếp đón Bác đến dự Đại hội...
Sau Đại hội, tôi được Trung ương cử đi học lớp chính trị Mác-Lênin ở Trung Quốc. Trước khi đi, Bác đến thăm anh chị em, Bác ân cần căn dặn: “Trung ương cử các cô các chú đi học chứ không phải đi du học. Trước đây con nhà giàu thì họ đi du học nghĩa là vừa chơi vừa học, còn các cô các chú học là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.” Bác thân mật kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác. Bác nói: “Chơi với bạn cũng là học, nhưng cần phải tỉnh táo đừng để bạn lợi dụng mình. Đối với nhân dân có những điều người ta chưa hiểu hoặc không thích thì không nên nói, không nên giải thích nhiều. Phải biết khiêm tốn học hỏi nhân dân thì nhân dân mới vui lòng làm theo đường lối, chính sách của Đảng”.
... Tôi sinh cháu được một tháng 24 ngày thì đúng vào dịp Bác đến thăm cơ quan phụ nữ Trung ương. Tất cả các chị em trong cơ quan đều xúm xít quanh Bác để hỏi thăm sức khỏe Bác. Đồng chí thư ký của Bác nói nhỏ với chị Ái: Bác rất ít thì giờ, các chị chỉ nên nói chuyện vui. Nhân lúc Bác hỏi thăm sức khỏe chị em, chị Hoàng Thị Ái và chị Đinh Thị Cẩn báo cáo với Bác ở cơ quan có đồng chí Hảo và đồng chí Huê mới sinh hai cháu gái. Bác hoan hô hội viên tí hon rồi Bác hỏi ngay: “Mẹ con các cô ấy có khỏe không?”. Chị Cẩn nói:
- Thưa Bác, mẹ con đồng chí Huê còn yếu vì sinh cháu thiếu tháng.
Rồi chị Cẩn vẫy tay bảo tôi bế cháu ra. Nhìn cháu Bác hỏi ngay:
- Cô có sữa cho cháu bú không?
Tôi thưa:
- Thưa Bác có ạ!
Bác lại căn dặn phải giữ gìn sức khỏe để đủ sữa cho cháu bú... Những lời khuyên của Bác thật là đầm ấm, ruột thịt, tình cảm mà tôi thấy rất cần cho tôi lúc đó.
(Trích lời kể của bà Mỹ Hảo nguyên cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam)
Bác là người đáng kính
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II họp năm 1951. Trong thời gian chờ đợi, tôi làm việc tại cơ quan Phụ nữ Trung ương, còn một số đồng chí khác về lại trong miền Nam. Tại Đại hội, Bác là Chủ tịch Đoàn và làm nhiệm vụ điều khiển đại hội. Bác đọc báo cáo, viết rất ngắn gọn, giọng văn nôm na. Nhiều đại biểu sau khi nghe xong có thắc mắc là báo cáo quá ngắn. Đảng ta hoạt động có nhiều thành tích như vậy mà viết ngắn thì chưa hết được. Phần đông lại cho rằng báo cáo viết như thế rất súc tích, dễ hiểu mà lại tổng kết được đầy đủ mọi việc.
Trong thời gian Đại hội, chúng tôi sống trong những dãy lán bằng tre nứa dựng trên đồi Gấu. Nước có máng bắc chảy từ trên núi về. Một lần sau bữa ăn Bác xuống thăm nhà bếp. Tôi nhớ bữa đó chúng tôi được ăn món thịt bọc lá bắp cải hấp, là món ăn rất sang lúc bấy giờ. Thức ăn nhiều, ăn không hết, mọi người ăn xong bát đĩa để ngổn ngang, bừa bãi trong nhà ăn. Bác thấy vậy, rất không hài lòng. Bác bảo: “Nước ta còn nghèo, kháng chiến đang thiếu thốn, ăn uống phải tiết kiệm, ăn đến đâu làm đến đó. Ai lại để thừa thãi, ngổn ngang thế kia. Bát đũa ăn xong của ai thì người đó xếp gọn lại, để lúc người đi dọn đỡ mất công. Một người dọn thì chết mệt”.
Tôi vốn là con gái nhà lao động từ nhỏ, lại được ba má dạy dỗ từng li từng tí nên tôi sống khá ngăn nắp, nhưng thực tình không chú ý lắm đến điều đó. Nghe Bác nói, tôi rất xấu hổ và từ đó luôn có ý thức: Sau khi ăn uống xong, bao giờ cũng dồn lại thức ăn, xếp gọn bát đũa. Và trong gia đình tôi cũng dạy con cháu, tôi làm như vậy để tiết kiệm sức lao động cho người khác.
Trong Đại hội, nhắc đến tầm quan trọng của việc đoàn kết dân tộc, Bác đã dùng hình tượng dàn nhạc để minh họa, rất hay và chính xác. Bác nói: “Ví như dàn nhạc có rất nhiều nhạc cụ. Nào các loại đàn, kèn, trống, sáo... Nếu mạnh ai nấy chơi thì thật đinh tai nhức óc. Nhưng nếu tất cả đều nhìn vào tay nhạc trưởng điều khiển thì bản nhạc cất lên thật hay, hùng tráng hoặc êm ả. Vì vậy, nhạc trưởng phải là người giỏi, cũng như người đảng viên, lãnh đạo phải biết cách đoàn kết mọi người lại...”. Bây giờ tôi không còn nhớ chính xác nữa, nhưng lúc đó tôi rất thích cách ví von của Bác.
(Trích lời kể của Nguyễn Thị Phương - Nguyên phó Ban Tổ chức Cán bộ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)
Như có viên ngọc ước
... Lần thứ hai tôi được gặp Bác rất đột ngột. Lần đó tôi đã tốt nghiệp trường Âm nhạc Việt Nam. Khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, tôi được tập kết ra Bắc. Năm đó tôi mới mười lăm tuổi, không biết đọc biết viết, không biết nói tiếng Kinh. Tôi được vào học ở trường Dân tộc Trung ương. Rồi vì có giọng hát tôi được về công tác ở một đoàn văn công. Sau đoàn cho tôi vào học trường Âm nhạc. Sau những ngày tháng nỗ lực học tập, tôi đã được tốt nghiệp. Hôm đó tôi đang chuẩn bị về đoàn thì nhà trường cho gọi và nói là vào Phủ Chủ tịch...
Đúng như tôi dự đoán, bước vào phòng khách, chúng tôi vừa ngồi xuống thì Bác đã ra. Thấy Bác, chúng tôi đứng cả dậy. Bác liền kéo chúng tôi ngồi quây bên Bác. Bỗng Bác hỏi tôi đột ngột:
- Kim Nhớ có “tủ” mới nào không?
Tôi giật mình, mải miết học tập ở trường tôi chưa có tiết mục nào mới. Bài hát tốt nghiệp của tôi cũng chỉ là những bài dân ca cũ. Tôi lúng túng thưa với Bác điều đó.
- Đi học, tập trung học là tốt, - Bác khen - nhưng học phải gắn với phục vụ. Vừa học vừa phục vụ nhân dân, mà hát cho nhân dân nghe phải có bài mới...
Để có những tình cảm gần với quê hương, tôi đã trở về với những bản làng Vân Kiều tận Trường Sơn. Sau chuyến đi, tôi đã có thêm những nhận thức mới, tôi gửi gắm tất cả tình cảm của mình vào bài hát đã có một sắc thái khác hẳn. Tôi đi biểu diễn ở nhiều nơi. Ở đâu tôi cũng được hoan nghênh... Rồi tôi được đi biểu diễn ở nước ngoài. Thật không ngờ trước khi đi, đoàn chúng tôi lại được gặp Bác. Thế là tôi được báo cáo với Bác, Bác đã khen tiết mục của tôi. Sau chuyến đi biểu diễn ở nhiều nước, lúc về, đoàn lại được Bác cho gặp...
Bác hỏi tôi:
- “Chim pông- kle” đi ra nước ngoài có thấy gì không?
Tôi cười rồi thưa với Bác:
- Thưa Bác có ạ, đi thấy nhiều nơi núi đồi giống núi đồi Hrê, nhớ lắm Bác Hồ ạ.
- Nhớ thì phải hát thật hay, cả nước biết người Hrê hát rồi, thế giới cũng biết người Hrê hát rồi. Bây giờ phải hết sức cố gắng, rèn luyện giọng hát, học tập chính trị, văn hóa để rồi về hát cho người Hrê nghe.
Lời Bác dặn, tôi đã ghi sâu. Tôi ra sức học tập, rèn luyện. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi đã đi biểu diễn ở khắp các vùng tuyến lửa. Tôi đi phục vụ quân và dân ở cả những hòn đảo xa xôi. Tôi muốn mang tiếng hát của mình, tiếng hát được Đảng, Bác Hồ trao cho phục vụ Tổ quốc đang chiến đấu.
(Trích lời kể của Nghệ sĩ ưu tú Kim Nhớ - dân tộc Hrê)
Sống trong tình thương của Bác
Bác biết tôi cố gắng học văn hóa nhưng lại kém về môn Văn, nhiều lần tôi vào thăm, Bác dặn:
- Cháu kém về Văn thì phải siêng xem sách, đọc báo, đọc xã luận, nghe các chú nói chuyện. Đọc báo có đoạn nào hay thì đánh dấu vòng lại, lúc khác cần đọc lại. Đó là một cách học: Học từ từ kiên nhẫn.
(Trích lời kể của chị Trần Thị Lý - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân)
Cuộc đời con có Bác
Năm 1957, đoàn văn công Quân đội chúng tôi đi dự Liên hoan sinh viên thế giới và biểu diễn hữu nghị ở một số nước bạn. Trước khi đi, Bác cho gặp để dặn dò, Bác bảo: “Phải giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị cho tốt, phải tranh thủ học tập các nước bạn, phải giữ gìn kỷ luật, đoàn kết nội bộ, tránh mua bán linh tinh làm ảnh hưởng danh dự...”.
Sinh cháu xong, sức khỏe sút kém quá, một đôi lần tôi vắng mặt không biểu diễn được, Bác hỏi các bạn tôi:
- Tại sao không thấy Kim Ngọc biểu diễn?
- Dạ thưa, từ khi sinh cháu chị Ngọc bị yếu ạ!
Lần biểu diễn sau, Bác hỏi tôi:
- Cháu đau yếu làm sao? Có băn khoăn gì không?
- Thưa Bác, con bị ốm và rất lo không làm nghệ thuật được nữa ạ.
Bác dạy:
- Cái gì đã từng làm được rồi mà nay vì hoàn cảnh có phần ảnh hưởng thì phải tin rằng mình vẫn có thể làm lại được. Cháu đã từng biểu diễn tốt rồi cơ mà. Nếu vì sức khỏe thì tìm cách chạy chữa, phục hồi. Nếu vì kỹ thuật đuối thì phải tìm tòi nghiên cứu rút kinh nghiệm.
Bác lấy tay gõ nhẹ lên đầu tôi:
- Còn ốm cái đầu này thì phải tìm cách tự khắc phục thôi.
Tôi hiểu ra, phải tìm ra nguyên nhân đó là thái độ tốt nhất, không nên nản lòng, nhụt chí.
Lại có lần, tôi thưa với Bác:
- Thưa Bác, sau khi cháu học kỹ thuật thanh nhạc mới về cháu biểu diễn không được hoan nghênh như trước nữa.
Bác hỏi:
- Cháu có hiểu sâu về cách hát các làn điệu dân tộc không?
Tôi thành thật thưa:
- Cháu biết rất ít ạ!
- Khoa học và dân tộc đều tốt cả. Nhưng cả hai cháu đều chưa có bao nhiêu thì khác gì người “Chân không đến đất, cật chẳng đến giời”. Yêu nghề thì phải chịu khó học tập, phải khổ luyện mới có kết quả tốt đẹp chứ!..
(Trích lời kể của Nguyễn Kim Ngọc - Nghệ sĩ ưu tú - Đoàn Ca múa Quân đội)
Cán bộ nữ phải sát quần chúng
Hồi đó anh chị em là cán bộ miền Nam, gồm năm đến sáu ngàn người, tập kết ra miền Bắc được đưa lên nông trường ở Yên Bái, Lào Cai. Do cuộc sống gian khổ, không quen khí hậu miền Bắc nên số đông bị ốm, rồi lại hết việc làm. Với ý nghĩ hai năm sẽ trở về quê hương nay gặp quá nhiều khó khăn, nhiều người bất mãn... Trước tình hình đó, Nhà nước chủ trương lập các khu điều dưỡng cho cán bộ miền Nam... Khi chúng tôi mời Bác về thăm anh em ở các trại Thường Tín và Thanh Trì thì Bác nhận lời ngay...
Trại xây trên khu đất rộng nên Bác chưa vào hội trường vội, Bác đi một lượt thăm mọi nơi, mọi chỗ ăn chỗ ở, Bác thấy sạch sẽ, vừa ý. Bác hỏi tôi:
- Lúc nào cũng sạch sẽ như thế này à?
- Thưa Bác, vâng ạ!
Sau khi thăm các trại điều dưỡng, bác còn thăm trường Nữ sinh Trưng Vương. Các cháu như đàn ong, quây quanh lôi kéo Bác, Bác thấm mệt, toát cả mồ hôi. Tôi liền ngăn: “Ô, các cháu đi xuống đi, làm thế Bác mệt”. nhưng Bác bảo: “Kệ các cháu”...
Có nhiều dịp được tiếp xúc làm việc gần Bác, tôi thấy Bác rất quan tâm đối với cán bộ miền Nam cũng như đối với phụ nữ. Bác lắng nghe và ân cần chăm sóc thăm hỏi động viên họ, khuyên bảo cán bộ phụ nữ phải đi sát quần chúng, phải biết nấu cơm, phải biết tắm rửa cho trẻ con. Đối với dân, Bác rất tôn trọng, quan tâm đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Bác sống rất giản dị, thanh đạm.
(Trích lời kể của bà Lê Minh Hiền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Cứu tế - nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Vinh dự được đón Bác Hồ
... Thấy Bác đứng dưới bóng cây mát, chúng tôi đến vây quanh Bác, đồng chí Bộ trưởng cũng đến đứng gần Bác.
Bác khen:
- Ở đây gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp thế là tốt. Và Bác hỏi:
- Các cô các chú ở đây đã có “Chi bộ 4 tốt” chưa?
- Dạ thưa Bác, có ạ!
- Ở đây đã có “Chi đoàn thanh niên 4 tốt” chưa?
- Dạ, thưa Bác, có ạ!
- Đảng viên phải gương mẫu, đoàn viên phải đầu tàu. Ở đây các cô các chú lại có phong trào thi đua tốt, tự lực cánh sinh làm được nhiều việc, nhận được lá cờ đầu của ngành Y tế là phải. Nhưng đây mới là thành tích bước đầu. Các cô chú phải khiêm tốn học tập và phát huy thành tích hơn nữa. Các cô các chú phải chữa bệnh bằng nhiều cách. Có thuốc quý chưa đủ, cần cho người bệnh ăn ngon và phù hợp với từng bệnh cũng là liều thuốc quý. Lại cần phải tuyên truyền, giải thích cho đồng bào xung quanh biết giữ gìn vệ sinh. Cần làm cho người bệnh khi khỏi bệnh biết cách phòng bệnh cho mình và cho gia đình mình.
(Trích lời kể bà Trương Thị Minh Tri - Bác sĩ bệnh viện Vân Đình - Hà Tây)
Các cô còn phong kiến thế à?
Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên, tổ chức ở Việt Bắc hồi tháng 5/1952...
Chiều mát, Bác đến từng tổ chiến sĩ ân cần thăm hỏi, rồi mọi người theo Bác ra một quãng đồi san phẳng để vui chơi tập thể. Hồi đó, phong trào nông tác vũ “son la son” mới gia nhập chiến khu Việt Bắc. Bác bảo các chiến sĩ: “Các cô, các chú, chiến đấu đã chiến đấu hăng, vui nhộn phải vui nhộn mạnh. Nào, ta nhảy đi!”. Đám thanh niên rất sẵn sàng, nhưng đám thiếu nữ còn sượng sùng ra ý rụt rè... Bác bảo: “Các cô còn phong kiến thế à?”. Được Bác khuyến khích, cả nam lẫn nữ bấy giờ mới cầm tay, nhảy tưng bừng giữa dàn nhạc mồm: “Son la son...” vang dội cả khu đồi.
Muôn vàn tình thân yêu dành cho các cháu gái
Một điều Bác dạy bảo mà suốt đời tôi không bao giờ quên là: “Báo chí là đại biểu cho dư luận, phải giúp Chính phủ đạt được thành công trong các chính sách đối nội đối ngoại. Sau này những lúc tình hình cách mạng có chuyển biến mới, người làm báo phải suy nghĩ nhiều. Câu nói của Bác giúp tôi nhớ tới vị trí và tính chất của báo chí ta. Một lần, Bác hỏi chị Thanh Thủy và tôi: “Các cô đã có con chưa? Các cô đã biết bế con, nuôi con chưa? Làm báo Phụ nữ không phải chỉ nói chính trị suông, giải phóng phụ nữ chung chung mà còn phải hướng dẫn cho chị em cách nuôi con, dạy con chăm lo việc gia đình."
Chị em trong cơ quan hỏi Bác nhiều điều. Bác trả lời cả những câu hỏi nhỏ nhặt nhất: “Tại sao trong họa báo Liên Xô lại thấy ảnh nhiều chị em để tóc dài? Có phải là sau khi vận động phụ nữ cắt tóc ngắn rồi lại phải vận động phụ nữ để tóc dài hay sao?”. Bác trả lời đại ý: Sau Cách mạng tháng Mười, Liên Xô có rất nhiều khó khăn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng cuộc sống mới. Phụ nữ phải đem hết sức mình ra chiến đấu và sản xuất, cho nên chị em ăn mặc giản dị, tóc cũng cắt ngắn để đi lại cho gọn. Bây giờ, chiến tranh thứ hai kết thúc đã nhiều năm, nền kinh tế đã được khôi phục và phát triển, đời sống được nâng cao, phụ nữ đã có thể trang điểm cho thêm đẹp, ai cho rằng để tóc dài đẹp và không vướng víu gì trong sản xuất thì cứ để...
Năm 1952 có Đại hội liên hoan các anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất và Hội nghị bàn về chiến tranh du kích. Sau hai cuộc họp lớn đó, mọi người náo nức khen ngợi hai bản báo cáo của anh hùng Nguyễn Thị Chiên và của chị Phạm Thị Nhật, bí thư chi bộ. Một hôm, Bác đến thăm cơ quan, chị em chúng tôi đều nói đến hai bản báo cáo ấy. Bác hỏi: “Các cô có biết vì sao mà báo cáo của các cô ấy hay không?”. Chị Đinh Thị Cẩn thưa: “Đó là do chị Chiên, chị Nhật đều lăn lộn, xông pha nhiều trong thực tiễn chiến đấu cho nên mới nói lên sự thật rất sinh động. Bác vừa cười vừa nói: “Đúng là như thế, nhưng không phải chỉ có thế. Các bản báo cáo ấy hay còn là do không có sự sửa chữa, thêm thắt của nhiều người khác...”. Tôi suy nghĩ rất nhiều. Câu nói ý nhị của Bác nhắc nhở tôi mỗi khi sử dụng hoặc biên tập lại bài của thông tin viên, bạn đọc trong đông đảo nhân dân, phải luôn luôn cố gắng ghi lại đúng đắn, trung thực những lời nói, những ý nghĩ mộc mạc, giản dị của những con người trong thực tiễn sản xuất và chiến đấu... không thể tùy tiện sửa đổi thêm bớt theo ý nghĩ chủ quan của mình.
(Theo Như Quỳnh)
Niềm vinh dự lớn
Tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc năm 1958, tôi được bầu là Anh hùng lao động, được chính phủ và Quốc hội tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và được gặp Bác Hồ...
Bác căn dặn:
- Xã của cô khá lắm. Cô về cố gắng cùng các đồng chí ở xã thúc đẩy phong trào tiến lên, đã tốt rồi thì tốt hơn nữa. Các cô, các chú được bầu là anh hùng, chiến sĩ rồi phải phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu, không được tự kiêu, tự mãn. Nói phải làm và làm phải nói như cô là rất tốt. Nói không làm là nói suông, làm không nói là tự bó mình lại, làm thay quần chúng, không phát huy được vai trò đầu tàu...
(Trích lời kể của bà Nguyễn Thị Khương)
Quà tặng của Bác
Một buổi sáng mùa thu năm 1950, Bác Hồ đi công tác, vừa đi qua vọng gác ATK thì gặp một cô bé... Thoáng thấy cụ già mặc áo kaki vàng, khăn quàng bên vai, cô sững sờ giây phút rồi hét lên:
- Bác! Bác Hồ!
Bác đi lại gần, hỏi:
- Cháu đi đâu mà sớm thế?
Cô gái nhanh nhảu thưa:
- Thưa Bác, cháu bên chú Tô (bí danh của đồng chí Phạm Văn Đồng) sang đưa công văn ạ!
Ít lâu sau, cô liên lạc được chuyển sang Văn phòng của Chủ tịch... Cuối năm, cơ quan chọn một số thanh niên đi sang Trung Quốc học. Cô cũng có trong danh sách, nhưng không muốn đi.
Một hôm, Bác cho gọi cô. Bác hỏi:
- Cháu có muốn công tác tốt không?
- Có ạ.
- Có muốn phục vụ nhân dân được nhiều không?
- Có ạ.
- Thế thì phải đi học. Học tập để hiểu biết thêm, hiểu biết nhiều. Có hiểu biết nhiều mới phục vụ nhân dân được nhiều, được tốt.
Bác đưa cho cô hộp thuốc lá của Bác:
- Bác tặng cháu cái hộp này để đựng kim chỉ. Ngoài giờ học phải học thêu thùa, may vá. Con gái là phải biết làm các việc đó...
(Trích lời kể của đồng chí Trung và một số đồng chí khác - Trung tâm Thông tin tư liệu, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam)
Gian khổ phải rèn luyện, sung sướng không cần ai dạy
Bà Đặng Quỳnh Anh, năm 1911, bấy giờ chưa đầy hai mươi tuổi đã theo các anh “Hội kín” vượt Trường Sơn, sang Xiêm, nuôi chí nguyện theo cha chú, những Đặng Thúc Hứa, Đặng Nguyên Cẩn... làm cách mạng.
Năm 1928- 1929, ông Thầu Chín (Bác Hồ) đã ở nhà bà Anh một thời gian... Vào một ngày cuối năm 1979, một số cán bộ Bảo tàng Quân đội đến thăm bà tại nhà riêng ở khu tập thể Tương Mai.
Bà vừa qua một cơn đau nặng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cử bác sĩ đến chăm sóc - mặc dù chị Dung, con gái bà là bác sĩ tặng bà thuốc bổ, sâm nhưng bà không dùng...
Khi người nhà bưng bát cháo lên để bà dùng, bà tự tay đón lấy. Tay phải bà run run, cầm cái thìa con đã buộc chặt vào hai ngón cái và ngón trỏ. Khi bàn tay trái đưa bát cháo gần miệng, có lúc bát cháo lại “đi” qua sang phải, sang trái, bà cố ghìm lại để “xúc” cháo.
Chị Dung vẫn ngồi yên, cầm cái quạt giấy quạt cho mẹ. Anh em gắt lên:
- Sao chị không bón cho bà?
Chị Dung cười và bà cũng cười. Chị nói:
- Mẹ tôi không cho. Mẹ bảo để mẹ tự làm lấy. Còn tại sao các anh hỏi mẹ ấy!
Bà đặt bát cháo xuống kể:
- Các cháu ạ, hồi ở Xiêm, Bác Hồ sống như mọi người dân, lao động bắt cá, kiếm củi, làm công, ăn đói mặc rét. Bác có lần nói với bà rằng: “O ơi! Sung sướng không ai dạy mà vẫn biết, còn muốn chịu đựng được gian khổ để làm cách mạng thì phải luyện rèn. Không ai nắm được tay từ sáng đến tối. Phòng khi khó khăn, còn vượt được, còn tham gia cách mạng được.” Bà nhờ câu nói ấy của Bác mà sống đến ngày nay... Bà còn cử động được tay, bà tự làm lấy theo lời Bác Hồ dạy mà thôi!
(Theo tài liệu của Trung tâm Thông tin tư liệu, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam)
Bác làm văn nghệ
Lần ấy, sau Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba khoảng một năm, tôi lại có may mắn lớn là được cùng với một số bạn vào thăm nơi Bác ở...
Khi anh Vũ Kỳ giới thiệu đến tôi thì Bác gật đầu bảo nhớ rồi. Bác gọi tên tôi và hỏi:
- Dạo này cháu làm gì?
- Dạ thưa Bác, cháu được đi học lớp lý luận nghiệp vụ ạ.
- Không tự kiêu chứ?
- Dạ thưa Bác, không ạ.
- Thế là tốt.
Bác cười, xốc lại chiếc áo khoác ở vai và dặn tiếp:
- Các cháu còn trẻ, phải chịu khó học và nhất là phải hết sức khiêm tốn, học kinh nghiệm tốt của những người đi trước...
Khi trên màn ảnh xuất hiện cảnh Đại hội ở điện Kremli thì Bác nói với tôi:
- Công trình xây dựng của nhân dân Liên Xô thật vĩ đại, phải không cháu?
- Dạ - rồi tôi khoe với Bác - mới vừa qua, đi dự Đại hội liên hoan điện ảnh quốc tế ở Mát - xơ – cơ - va, cháu đã được đặt chân đến cung điện lịch sử này.
Bác gật đầu hỏi:
- Thế cháu có thích không?
- Dạ thích.
Rồi tôi lại nói luôn với Bác cái cảm giác ngỡ ngàng, có phần tự ti của một người mới ra nước ngoài lần đầu, đứng trước đám đông của gần năm mươi nước đến dự lễ khai mạc Đại hội. Quả tình là đối với tôi lúc đó cái gì cũng mới lạ, bỡ ngỡ, những công trình kiến trúc đồ sộ, những cảnh bài trí choáng lộn, những cảnh ăn mặc đủ màu sắc mới lạ... Lúc đó trên màn ảnh cũng hiện ra quang cảnh Đại hội, có cả tôi trong đó. Bác hỏi:
- Họ sang hả cháu?
- Dạ thưa Bác, họ sang và diện lắm Bác ạ. Còn mình thì chẳng có gì, hôm khai mạc Đại hội, người đông mà họ ăn mặc sang trọng quá, cháu cứ thấy ngường ngượng thế nào ấy...
Bác trả lời tôi mà mắt vẫn không rời màn ảnh:
- Sao lại ngượng? Chúng ta còn nghèo nhưng dân tộc ta rất đáng tự hào, phải không cháu?
- Dạ! – Tôi lúng túng và thấy mặt nóng bừng lên...
Tôi đặt ra quyết tâm luôn luôn đinh ninh nhớ lời Bác dạy, học tập lối sống giản dị và đạo đức cách mạng lớn lao của Bác.
(Trích lời kể của Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang)
Các cô cứ cố gắng, đã có Đảng giúp
... Bác hỏi các đồng chí trong Đảng đoàn về tình hình công tác phụ nữ, về việc chuẩn bị đại hội và cả về tình hình sức khỏe, tình hình gia đình từng người. Bác nhìn chúng tôi như mẹ nhìn con. Một số chị em không khỏe lắm, Bác rất thương. Bác hỏi chị em nỗi lo lắng về công việc và cả hoàn cảnh riêng của mình... Bác dạy: “Các cô cố gắng, các cô chú ý giữ gìn sức khỏe, còn công tác thì có Đảng giúp.”...
Sau này, mỗi khi tôi đi dự các cuộc họp, được gặp Bác, Bác hay bảo tôi báo cáo Bác nghe về tình hình phong trào phụ nữ. Công tác phụ nữ có rất nhiều khó khăn, nhưng sự chăm sóc, động viên của Bác động viên tôi rất nhiều.
Năm 1952, đầu mùa hè, các cơ quan lục tục kéo về châu Tự do... Lần đầu tiên, cơ quan Hội phụ nữ có những cái nhà xinh xắn làm bằng tre nứa đan rất kỹ và có hầm đào sâu ngập đầu người theo hình chữ chi... Lúc bấy giờ, chị em trong cơ quan ăn uống rất kém, sốt rét luôn. Có một lần ghé thăm, Bác hỏi: “Các cô có trồng rau không?”.
Chị em thưa có. Bác bảo đưa Bác ra thăm vườn rau. Bác ra vườn. Quả tình rau mọc quá lơ thơ. Bác bảo: “Bác phải cúi xuống nhìn kỹ mới trông thấy rau.” Chúng tôi nhìn nhau, biết rằng Bác phê bình mình làm chưa tốt. Bác bảo tiếp: “Chỗ Bác có nhiều giống rau. Bác còn thả cải xoong ở suối tốt lắm. Các cô cố gắng trồng nhiều rau và cố nuôi gà lấy trứng mà ăn cho khỏe”. Nghe lời Bác, chúng tôi củng cố lại ban tăng gia sản xuất. Đi qua thấy vườn rau chúng tôi xanh tốt, Bác vui lòng...
(Trích lời kể của bà Hoàng Thị Ái – Bí thư Phụ nữ cứu quốc, Bí thư Đảng đoàn, Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khóa I, II, III)
Ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang
Quê tôi ở Kim Lũ, gọi nôm là làng Lủ, nhưng cha mẹ tôi có cửa hiệu Vạn Tường ở số nhà 21 Hàng Đào... Trong những ngày đầu tháng đến trung tuần tháng Tám, đặc biệt là sau những ngày phát xít Nhật đầu hàng thì tình hình ngoài phố vừa nhộn nhịp vừa căng thẳng vì có nhiều đảng phái hoạt động nhộn nhịp, vì không khí Tổng khởi nghĩa đang lan tràn khắp nơi...
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang xưa là ngôi nhà có hai tầng làm theo lối cổ. Tôi đã cho sửa lại thành 4 tầng... Cũng mãi về sau này tôi mới biết rằng các đồng chí Trung ương Đảng sở dĩ chọn nhà tôi để đến ở và làm việc vì trước hết nhà tôi là một cơ sở đáng tin cậy, sau nữa vì nó ở giữa một phố buôn bán sầm uất, người đi kẻ lại lúc nào cũng đông đúc và ngay chính nhà tôi khách hàng cũng ra vào nhiều nên khó phân biệt được ai với ai. Một buổi sáng đồng chí Trường Chinh bảo tôi:
- Chị chuẩn bị thêm cho một phòng để đưa mấy cụ già đến ở.
Tôi nhớ lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà tôi, Người mặc rất giản dị: áo nâu, quần soóc nâu, đội mũ dạ, đi dép cao su Con hổ trắng và tay cầm can... Tôi rất chú ý đến việc ăn uống của Chủ tịch và các đồng chí trung ương nên thường đứng ra trông coi và luôn thay đổi món cốt sao cho mọi người ăn ngon miệng.
Một hôm quãng 9h sáng, tôi mua được mấy quả bưởi Nghệ. Tôi gọt bưởi, pha nước, rồi chính tay tôi mang lên phòng Chủ tịch làm việc. Lúc ấy, Người đang ngồi đánh máy. Người bảo tôi cùng ăn rồi vừa ăn bưởi, Người vừa bảo tôi:
- Cô thật là sung sướng, cha mẹ, con cái đầy đủ, nhà cửa đàng hoàng, chả có gì phải khổ cả!
Không hiểu sao lúc đấy tôi lại nghĩ đến người phu kéo xe bị thằng Tây say ngồi trên xe đá giày Tây vào gáy gục xuống vệ đường, tôi nghĩ đến những người hàng rong bị bọn đội xếp Tây đánh bằng dùi cui làm cho gánh hàng còm cõi đổ tung tóe, tôi nghĩ đến việc cha tôi bị Pháp bắt giam và nhất là khi những lời cha tôi nói cho tôi biết thế nào là cái nhục của một người mất nước.
Vì thế, tôi thưa với Người:
- Thưa Cụ, cháu cũng có cái nhục của một người dân mất nước.
Tôi thấy Người im lặng, một lát sau Người mới hỏi tôi:
- Thế bây giờ cô đang làm công tác gì?
- Thưa Cụ, cháu làm ở chỗ chị Diệu Hồng, Hội Phụ nữ cứu quốc.
Người thân mật dặn tôi:
- Làm gì cũng phải kiên trì nhẫn nại cô ạ!
Tôi nhắc lại lời căn dặn ấy của Người:
- Vâng, thưa Cụ, làm gì cũng cần phải kiên trì nhẫn nại ạ!
Tôi ghi nhớ mãi lời dặn dò ấy của Người và lời dặn dò ấy đã có tác dụng rất lớn trong suốt cuộc đời tôi, đặc biệt là trong 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ...
Những ngày tháng đầu tiên sục sôi khí thế cách mạng đó trôi đi rất nhanh. Cái Tết đầu tiên của một đất nước độc lập cũng đã đến và một kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên bởi nó là vinh dự lớn một lần nữa đến với gia đình tôi vào tối 30 Tết năm đó.
Hôm ấy, khi vợ chồng tôi cùng anh Hồng Lĩnh (Nguyễn Khánh Toàn) và vợ chồng anh Khuất Duy Tiến vừa ăn uống xong, tôi bỗng nghe thấy tiếng mở cửa ở dưới nhà, tiếp đó là tiếng chân nhiều người bước lên thang. Anh Nguyễn Khánh Toàn chạy ra và anh bỗng reo lên:
- Ô, Bác!
Thế là tất cả chúng tôi chạy ồ ra đón Người. Thấy chúng tôi, Người nói:
- Chào các cô, các chú...
Khi tất cả đã tập trung ở phòng khách và sau khi thăm hỏi, Người nói:
- Hôm nay là năm mới - Người cười giải thích - Tuy chưa đến năm mới nhưng sắp sang năm mới, nên cũng gọi là năm mới - Năm mới chúc mọi người thật khỏe mạnh này, làm việc thật hăng say này, và ăn Tết thật ngon lành nhưng tiết kiệm...
Người cũng không quên chúc mừng sức khỏe của mẹ chồng tôi, người cao tuổi nhất trong nhà. Cho đến mãi sau này, mẹ chồng tôi vẫn thường bảo vợ chồng tôi và các cháu rằng:
- Một vị Chủ tịch nước mà sống giản dị, tình cảm, gần gũi nhân dân như thế đấy!
Những tình cảm quý báu của Người dành cho gia đình tôi thật quá to lớn, điều đó khiến tôi càng hăng hái tham gia các công việc xã hội hơn. Đó cũng là điều giải thích tại sao gia đình tôi lại đóng góp gần như toàn bộ tài sản và cuộc đời mình cho cách mạng, cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, giành Độc lập cho đất nước.
Trong suốt cả cuộc kháng chiến, nay đây mai đó, nhiều lúc vô cùng gian khổ nhưng tôi không một phút nản lòng, bởi tôi luôn nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dặn dò tôi: Phải kiên trì, nhẫn nại...
(Theo lời kể của bà Hoàng Thị Minh Hồ - tức bà Trịnh Văn Bô)
Từ kỷ niệm tuổi thơ
Những năm học ở bên Pháp, tôi vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc. Một đêm giao thừa, tất cả anh chị em người Việt Nam tụ tập tại trụ sở đón Tết của quê hương trên đất Pháp...
Tối hôm đó, Bác gặp Việt kiều ở Pari. Anh chị em Việt kiều quây quần xung quanh Bác như những người con tụ lại bên cha già. Trong tình cảm thương yêu rộng lớn, Bác dặn dò tất cả mọi người thế này: “Các cô, các chú phải cố gắng mỗi người học giỏi một nghề, sau này trở về giúp nước nhà, góp phần làm cho dân ta giàu, nước ta mạnh”. Lời dạy của Bác đã trở thành bó đuốc soi đường cho tôi suốt những năm học tập ở xa quê hương.
Giữa năm 1959, tôi thi đỗ bằng thạc sĩ toán học. Nhớ lời Bác, tôi tình nguyện xin về nước phục vụ.
Trong những năm công tác ở Hà Nội, tôi được gặp Bác ba lần, một lần bác đến thăm trường Đại học Sư phạm của chúng tôi. Lần thứ hai, vào dịp Tết, tôi được gặp Bác. Trong buổi liên hoan đón năm mới hôm ấy Bác rất vui. Tôi lại được ngồi gần Bác. Bác cười chỉ vào tôi và nói với các đồng chí lãnh đạo ngồi bên cạnh:
- Sao ít phụ nữ thế? Bác muốn phong trào phụ nữ tiến bộ mạnh hơn nữa...
Tôi nghĩ trong đời tôi lúc bé đã được một lần Bác dạy cho cách học, những năm sống xa quê hương, hình ảnh Bác là nguồn động viên tôi khắc phục khó khăn để học tập. Khi trưởng thành lại được Bác săn sóc từ bữa ăn. Tôi là một trong hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã được Bác, Đảng, Cách mạng giải phóng và trở thành người có ích, được đem sức lực của mình phục vụ nhân dân, đất nước. Đối với tôi, không có gì sung sướng hơn là giữ gìn những kỷ niệm về Bác - cái vốn quý báu mà Bác đã trao cho tôi từ khi còn bé. Cái vốn quý đó mỗi ngày càng được nhân lên gấp bội, như cuộc đời tôi, được Bác, Đảng dìu dắt mãi mãi đi trên con đường sáng...
(Trích lời kể của nữ Giáo sư, Tiến sĩ toán học Hoàng Xuân Sính)
Nhớ mãi lời Bác dạy
Tôi được kết nạp Đảng vào buổi tối 19 tháng 12 năm 1955. Lúc đó chi bộ xã Trung Hòa mới có 14 đảng viên. Là đảng viên trẻ nhất chi bộ, tôi được chi ủy giao trách nhiệm xây dựng chi đoàn thanh niên Lao động của xã. Buổi lễ kết nạp đầu tiên được 24 đoàn viên, gồm những anh chị em thanh niên tích cực tham gia công tác ở các thôn và tôi được bầu là bí thư chi đoàn.
Sáng ngày mồng 1 tháng 3 năm 1956, tôi ăn cơm xong định ra đồng làm cỏ lúa thì một anh đến báo tin: “Có đoàn đại biểu Chính phủ về thăm xã ta đấy!”. Tôi vội gọi mấy đồng chí ở gần ra ngoài cổng làng đón. Chưa ra đến nơi đã thấy đoàn đại biểu đi vào. Tôi nhận ra ngay người đi giữa ở hàng đầu và reo to lên:
- Bác Hồ! Bác Hồ!
... Bác giơ tay chào và như đã hẹn trước, cả đoàn theo Bác vào nhà chị Đỗ Thị Mùi ở đầu xóm.
Bác hết hỏi chị Mùi về gia đình, đời sống, học hành, lại hỏi chị Diêm về đời sống sản xuất, nghề phụ, tổ đổi công trong xã, và hỏi chi bộ có bao nhiêu đồng chí, nhân dân có ai bị đói không...
Lát sau, Bác căn dặn chung tất cả cán bộ xã có mặt ở đây:
- Các cô, các chú làm việc trong xã phải gần gũi nhân dân, phải lo lắng đến đời sống của bà con, làm thế nào cho dân được cơm no, áo ấm, được học hành. Như thế mới là hết lòng với Đảng, với nhân dân...
Đồng chí Trần Danh Tuyên mời Bác sang thăm câu lạc bộ thanh niên. Tôi phụ trách câu lạc bộ nên đi trước dẫn đường. Tôi nghe thấy chị Diêm thưa với Bác: Cô Lựu là bí thư thanh niên xã đấy ạ! Câu lạc bộ của chúng tôi là ba gian nhà vừa tịch thu của địa chủ. Nhà tôi là một gian buồng của ngôi nhà đó...
Bác hỏi tôi:
- Cháu là bí thư đoàn thanh niên, cháu có nắm được toàn xã có bao nhiêu thanh niên không?
Lúc đó phong trào thanh niên sinh hoạt đều đặn và công tác khá sôi nổi nên tôi nắm vững danh sách và thưa với Bác:
- Thưa Bác, xã cháu có gần hai trăm năm mươi thanh niên ạ.
Bác hỏi: Toàn xã có bao nhiêu đoàn viên, bao nhiêu trai, bao nhiêu gái?
Tôi báo cáo chi đoàn có 24 đoàn viên, 9 trai, 15 gái. Bác gật đầu rồi giơ tay ra tính nhẩm:
- Như vậy là mỗi đoàn viên phải lãnh đạo 10 thanh niên - Bác căn dặn - Đoàn viên không những phải xung phong gương mẫu cho thanh niên học tập mà còn phải dìu dắt cho anh chị em cùng tiến bộ như mình mới được.
Bác hỏi tôi rất cặn kẽ về những thanh niên đi bộ đội có vui vẻ, phấn khởi không? Số thanh niên trước kia lầm đường đi lính cho giặc Pháp nay trở về có tích cực sản xuất không? Tình hình học bổ túc văn hóa của thanh niên ra sao... Tôi trả lời từng vấn đề Bác hỏi. Nghe nói thiếu giáo viên dạy bổ túc văn hóa, Bác có vẻ băn khoăn bàn với đồng chí Trần Danh Tuyên về việc có thể sử dụng học sinh phổ thông vào việc thanh toán nạn mù chữ.
Ngay tối hôm đó chi đoàn, chi bộ, chính quyền, các đoàn thể trong xã họp bàn kế hoạch, động viên nhau cố gắng lãnh đạo nhân viên thực hiện bằng được những lời Bác dạy.
(Trích lời kể của bà Nguyễn Thị Lựu)
Niềm vui bất ngờ
Chủ nhật trước ngày 2/9/1958, một số chị em trong cơ quan Thành hội phụ nữ Hà Nội được thông báo chuẩn bị đón khách quý. Với kinh nghiệm nhiều lần được đón Bác, chị Minh Quang - phó hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội nghĩ: “Có thể Bác đến”. Chị Minh Quang phấn khởi hồi hộp vội hội ý với chị Thúy Hạnh, nhắc anh chị em đang ở nhà dọn dẹp sạch sẽ chuẩn bị đón khách.
Nhưng chị Hạnh chưa kịp nhắc nhở mọi người thì một chiếc ô tô con đã đỗ trước cửa. Đồng chí Trần Danh Tuyên bước vào vui vẻ nói với chị Minh Quang:
- Bác sẽ đến thăm các chị đấy!
Xe vừa đỗ, Bác nhanh nhẹn bước xuống. Các chị trong cơ quan vui mừng ùa ra đón, mời Bác vào phòng khách nhưng Bác không vào và nói:
- Không, Bác chưa vào phòng khách. Các cô cứ để Bác đi xem các cô ăn ở thế nào đã.
Vừa nói, Bác vừa đi qua sân, qua dãy nhà tập thể xuống thẳng bếp. Trước đó, chị Thúy Hạnh đã chạy vội đi khép lại cửa của mấy hộ có tiếng luộm thuộm để Bác khỏi nhìn thấy.
Các chị Nhàn, Toán, Tâm, Tần đang chuẩn bị bữa cơm chiều trong bếp thấy Bác thì vui sướng quá chạy cả ra đón... Bác hỏi chị em:
- Đây là nhà ăn à?
Bác cười hỏi mấy cô cấp dưỡng:
- Thế nào, chiều nay các cô cho chị em ăn món gì?
Dạo đó, tuy nhiều chị em đã có gia đình nhưng tất cả chị em đều ăn cơm tập thể. Nhà bếp của cơ quan phụ nữ thường được giữ sạch. Chị em cấp dưỡng rất tận tụy với công việc. Chị Nhàn thay mặt cả nhóm thưa:
- Thưa Bác, chiều nay chúng cháu có rau muống luộc, cà muối và đậu rán ạ!
Bác gật đầu:
- Các cô giữ bếp núc sạch như thế này là tốt. Cố gắng thay đổi món ăn luôn cho chị em...
Từ nhà bếp, Bác đi sang nhà trẻ, hôm đó là ngày nghỉ nên không có cháu nào, Bác hỏi:
- Sao không có các cháu?
Mấy chị thưa:
- Thưa Bác, hôm nay chủ nhật các cháu ở nhà với bố mẹ các cháu ạ! Bác nhìn qua cửa, thấy nhà trẻ sạch bóng, Bác gật đầu tỏ ý hài lòng.
Lúc ấy ngoài sân nhà tập thể, chồng của một số chị em đã tạm dừng công việc, phấn khởi ra đứng đón Bác. Bác cười hỏi anh em:
- Cơ quan phụ nữ sao lại có các chú ở đây?
- Thưa Bác, hôm nay là chủ nhật, chúng cháu về thăm gia đình ạ!
Bác hỏi lại:
- Các chú chỉ về thăm thôi à? Các chú về phải giúp đỡ các cô ấy việc gì chứ!
- Thưa Bác, chúng cháu có giặt giũ, bế con, dọn dẹp nhà cửa đấy ạ!
Bác quay lại hỏi chị em:
- Thế nào, các chú ấy nói có đúng không?
- Thưa Bác, đúng ạ.
Tất cả vui vẻ cười rộ lên sung sướng theo cái gật đầu bằng lòng của Bác...
Bác hỏi:
- Ở đây còn cô nào chưa lập gia đình?
Các chị lãnh đạo chỉ từng người giới thiệu với Bác.
Bác lại hỏi:
- Các cô chưa có gia đình thì làm những công tác gì?
Các chị giới thiệu mấy chị em làm công tác văn phòng, giữ trẻ...
Bác nói với mấy cô giữ trẻ:
- Các cháu là mầm non của Tổ quốc, là tương lai của xã hội, các cô phải trông nom, dạy dỗ các cháu cho chu đáo.
Rồi Bác nói với chị Minh Quang:
- Các cô động viên chị em làm việc thật tốt, nhưng còn phải quan tâm đến đời sống riêng của mỗi người nữa. Nếu trong cơ quan ai cũng có gia đình hạnh phúc thì công tác sẽ tốt hơn...
(Trích lời kể của một số chị trước ở Thành hội phụ nữ Hà Nội)
Ngày mồng 8 tháng 3 năm ấy
Mùa xuân năm 1960, Thủ đô đang quyết tâm hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa. Chúng tôi được Văn phòng phủ Chủ tịch trả lời: “Bác chỉ thị nếu có điều kiện Bác sẽ đến.” Chúng tôi náo nức hi vọng Bác sẽ đến, nhưng cũng không khỏi hồi hộp là cũng có thể Bác bận không đến được...
Chiều mồng 7 tháng 3, hội trường nhà hát sáng rực hẳn lên... Chúng tôi đang điều khiển chương trình hội nghị, bỗng cô thư ký văn phòng mặt tươi như hoa bước vào, đến bàn Đoàn Chủ tịch hồi hộp nói nhỏ vào tai chúng tôi:
- Các chị ơi, em thấy xe Bác Hồ đã đến.
Chúng tôi vui sướng, phấn khởi kính mời Bác vào hội trường...
Giọng nói của Bác trầm trầm, ấm áp:
- Từ trước đến nay, phụ nữ Việt Nam ta đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, phụ nữ ta rất đáng kính, phụ nữ ta đã có nhiều tiến bộ, nhưng Đảng và Chính phủ và Bác còn mong phụ nữ tiến bộ nhiều hơn nữa. Hiện nay, trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít. Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải: gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, kỹ thuật. Không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Hăng hái thi đua thực hiện: “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình. Đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất nước nhà và giữ gìn hoà bình thế giới”...
Là những cán bộ vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, chúng tôi vô cùng sung sướng. Tuy bận trăm công nghìn việc nhưng Bác luôn quan tâm chăm sóc đến phong trào phụ nữ, mong cho phụ nữ luôn luôn tiến bộ, bình đẳng với nam giới.
(Trích lời kể của bà Lê Cương - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ Bà mẹ trẻ em thành phố, nguyên ủy viên thường trực Thành hội phụ nữ Hà Nội)
Bác với nhà máy của chị em chúng tôi
Ngày hôm ấy, mồng 8 tháng 3 năm 1965, nhà máy chúng tôi làm lễ khánh thành. Đang lúc toàn thể chúng tôi tíu tít chuẩn bị cho lễ khánh thành, tổ chức trọng thể vào buổi tối, có mời cả đồng chí Lê Thanh Nghị - Phó Thủ tướng Chính phủ xuống cắt băng, thì Bác đến.
Một giờ trưa, chẳng có ai dẫn lối, Bác đi thẳng vào khu tập thể. Giờ này, người nào không bận ca kíp bên nhà máy thì đều ngủ yên cả. Bác cẩn thận xem xét từng nơi nhà bếp, nhà trẻ, nhà vệ sinh... Hình như được một lúc khá lâu mà chưa ai biết, có một số chị em đang giặt giũ bên bể nước thấy Bác, reo ầm lên: Bác! Bác! Bác Hồ đến!
Thế là cửa các căn nhà mở toang, mọi người cuống quýt chạy ra. Bác đã tới đầu nhà A1... Chị Thái Bảo lúc ấy đứng ngay cạnh Bác. Bác chỉ luôn vào chị hỏi:
- Cô làm gì ở đây?
- Thưa Bác, cháu là Bí thư Đảng ủy ạ!
Bác khoát tay ra xung quanh nói:
- Bí thư Đảng ủy mà để công nhân ở bẩn thế này à?
Dạo ấy, lần đầu tiên chị em chúng tôi lãnh các trách nhiệm chủ chốt trong nhà máy. Chúng tôi quả là chỉ chú ý đến xây dựng nhà máy sản xuất, chưa chú ý đến nơi ăn, chốn ở của công nhân. Nhà A1 lại là nhà mất vệ sinh nhất! Hơn nữa, hôm ấy là ngày khánh thành nên chúng tôi ai cũng chỉ chú ý thu dọn cho nhà máy phong quang, còn về đến nhà, chỉ mải tìm bộ quần áo nào đẹp nhất thì mặc.
Một số chị em đứng đằng sau nháy nhau lên thu dọn các tầng trên. Nhưng thoắt cái, khi chúng tôi còn đang kéo bớt quần áo phơi lươm tươm ở ngoài cửa sổ, ở trên dây xuống thì Bác đã tới từng phòng rồi. “Bắt được quả tang” sự luộm thuộm của chúng tôi, Bác chỉ vào từng người, lắc đầu rồi xua tay...
Ở trước cửa hội trường mới, Bác thân mật nói chuyện với anh chị em công nhân. Đến nay, tôi vẫn còn nhớ những lời Bác ân cần dạy bảo, hỏi han đến từng người công nhân... Bác nói nhà máy này có ba vinh dự lớn: một là ra đời trong kế hoạch năm năm lần thứ nhất, hai là mang tên của phong trào phụ nữ quốc tế, ba là sản xuất vải mặc cho nhân dân.
Nói về ý thức làm chủ tập thể và kỷ luật lao động, Bác căn dặn chúng tôi: “Tiền của xây dựng nhà máy là do nhân dân đóng góp, giao cho Nhà nước. Nhà nước giao cho các cô, các chú thì phải sản xuất cho tốt. Muốn thế, toàn thể cán bộ, công nhân phải ra sức học tập kỹ thuật, văn hóa, chính trị. Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Phải tôn trọng kỷ luật lao động, tám giờ vàng ngọc. Nếu làm thiếu giờ như đi muộn về sớm, vừa làm vừa chơi là ăn cắp của nhân dân”.
Nói về sản xuất, Bác nhấn mạnh: “Muốn sản xuất tốt thì phải có sức khỏe tốt, cho nên phải giữ gìn chỗ ăn, chỗ ở luôn luôn sạch sẽ. Bác phê bình các cô, các chú đều là người lớn cả mà ăn ở rất bẩn. Lần sau Bác lại về, nếu sạch sẽ Bác thưởng, nếu còn bẩn Bác sẽ phê bình”.
Bác còn nhắc lại: “Muốn sản xuất tốt, từ giám đốc đến công nhân phải đoàn kết lại thành một khối”...
Trước khi về Bác còn dặn dò: đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải xung phong gương mẫu trong sản xuất, học tập, nhất là phải chú ý trau dồi đạo đức cách mạng và chú ý giúp đỡ anh chị em ngoài Đảng, ngoài Đoàn cùng tiến bộ. Bác tặng huy hiệu cho các công nhân sản xuất giỏi của nhà máy. Đồng chí giám đốc mời Bác ở lại cắt băng khánh thành nhà máy tối hôm đó, Bác cười:
- Theo Bác, phải để cho cô chú công nhân nào trẻ, sản xuất giỏi nhất cắt băng khánh thành nhà máy mới có ý nghĩa nhất.
(Trích lời kể của các chị quản đốc và phó quản đốc phân xưởng dệt Nhà máy dệt 8 tháng 3)
Ghi nhớ trọn đời
Vào một ngày cuối thu năm 1959, tôi được báo vào Phủ Chủ tịch phục vụ Bác... Vừa trông thấy tôi, Bác hỏi ngay:
- Hôm nay cô hát gì cho Bác nghe đấy?
Tôi dè dặt thưa:
- Thưa Bác, cháu ngâm Kiều ạ!
Bác hỏi:
- Tại sao cô lại chọn ngâm Kiều?
Tôi đâm cuống, ấp úng thưa:
- Thưa Bác, Kiều là tác phẩm thiên tài của Nguyễn Du. Cuộc đời Kiều ngày xưa trăm nghìn cay đắng nhưng ngày nay nhờ có Cách mạng, có Bác... xã hội Việt Nam không còn những nàng Kiều nữa ạ.
Thấy được sự lúng túng của tôi, Bác thân mật bảo:
- Này, nghệ sĩ phải là chiến sĩ. Đã là chiến sĩ phải dũng cảm.
Bất chợt Bác hỏi tôi:
- Cô vẫn hai cháu đấy chứ?
Tôi bàng hoàng cả người
- Thưa Bác, vâng ạ.
Vì sao Bác lại biết tôi có hai con? Thì ra hồi 1957, tôi được là thành viên của Đoàn thanh niên đi dự Fet - ti - van 6 ở Liên Xô. Khi đoàn chúng tôi đến Bắc Kinh, được biết Bác cũng qua đó, Bác cho chúng tôi đến gặp... Lần đó Bác đã nói chuyện với tôi. Bác hỏi:
- Cô đã lập gia đình chưa?
Tôi thưa với Bác là đã có hai cháu trai. Bác bảo:
- Muốn phục vụ tốt, đỡ vất vả, nghệ sĩ nên sinh đẻ ít thôi...
(Trích lời kể của Nghệ sĩ ưu tú Lệ Thanh)
Phụ nữ miền Bắc có sẵn sàng thi đua với phụ nữ miền Nam không?
Sau ngày giải phóng thủ đô, tôi tham gia Thành ủy Hà Nội, trực tiếp làm bí thư Đảng đoàn phụ nữ. Dạo đó tôi mới 29 tuổi và được gặp Bác nhiều lần nhưng có một lần tôi được gặp Bác mà suốt đời tôi không bao giờ quên. Đó là lần tôi được Bác gọi lên nhân dịp Đại hội “Ba đảm đang” của phụ nữ thủ đô lần thứ nhất...
Bác thân mật hỏi thẳng tôi vào công việc:
- Bác nhận được thư của các cô nói là mở Đại hội và mời Bác và chú Đồng đến, vậy Hội nghị làm những gì?
Quanh chiếc bàn đơn sơ, Bác, anh Vũ Kỳ và tôi ngồi làm việc không có một chút cách biệt nào. Sự thân thiết của Bác làm tôi mạnh dạn. Tôi báo cáo với Bác những nét lớn về thành tích của phong trào “Ba đảm đang” và mục đích của Đại hội là biểu dương thành tích và động viên, đẩy mạnh phong trào.
Bác nghe xong gật đầu tỏ ý bằng lòng và bỗng Bác hỏi một câu thật bất ngờ đối với tôi:
- Thế các cô định tiêu hết bao nhiêu tiền cho Đại hội?
Tôi thưa với Bác:
- Thưa Bác, chúng cháu chỉ tiêu ít thôi ạ, vì các đại biểu là cán bộ công nhân viên có lương đến Đại hội ăn phải đóng tiền, chỉ được bồi dưỡng ít thôi. Chỉ có đại biểu ở cơ sở khu phố và ngoại thành mới được đài thọ cả, nên cũng chỉ tiêu hết ít thôi ạ.
Bác gật đầu bảo:
- Ừ, các cô phải tiết kiệm, phải bàn những công việc thiết thực, tránh hình thức, lãng phí. Phải làm sao cho Đại hội có kết quả là tốt.
Tôi thật thấm thía về câu hỏi và lời dạy của Bác. Là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, lẽ ra tôi phải nắm cụ thể cả những vấn đề này. Thế mà tôi đã bỏ qua. Nhưng Bác thì lại quan tâm đến hàng đầu vì Bác lo chúng tôi chỉ hình thức lãng phí mà không đem lại được lợi ích gì cho phong trào, cho chị em phụ nữ...
Đại hội Ba đảm đang của phụ nữ Thủ đô lần thứ nhất khai mạc rất trọng thể vào tối 1 tháng 12 năm 1965 tại hội trường trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Chiều 2 tháng 12 năm 1965 (ngày họp thứ hai), khoảng 16 giờ, Đại hội vô cùng sung sướng, phấn khởi được đón Bác...
Không khí Đại hội thật vô cùng náo nhiệt, sôi nổi. Bác lại ra hiệu cho mọi người im lặng. Rồi Bác nói chuyện với Đại hội. Bác kể cho chúng tôi nghe về những gương anh hùng của phụ nữ ta trong thời kỳ hoạt động bí mật, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sự hi sinh anh dũng của chị em miền Nam trong chống Mỹ... Bác khen ngợi phụ nữ và căn dặn phụ nữ phải sản xuất tốt, không sợ gian khổ, không sợ hi sinh... Cuối cùng, Bác hỏi:
- Thế phụ nữ miền Bắc có sẵn sàng thi đua với phụ nữ miền Nam không?
Cả hội nghị lại đồng thanh:
- Có ạ! Có ạ!
Và hàng tràng vỗ tay lại nổi lên như sấm...
(Trích lời kể của chị Minh Quang)
Mừng cho các cháu, Bác càng thương nhớ mẹ
Một lần trên đường đi thăm hợp tác xã trồng cây giỏi ở huyện Quảng Oai (Hà Tây), Bác Hồ đã nhắc đến mẹ Bác.
Hôm ấy, khi xe ô tô đến Quảng Oai, một đoàn các em bé gái cổ quàng khăn đỏ, em mặc áo hoa xen em mặc áo trắng, tay cắp sách vừa ở trong trường ra, líu ríu như chim sổ lồng. Nhìn thấy các cháu vui, Bác Hồ cũng vui theo. Người nói với chú Vũ Kỳ và các chú ngồi cùng xe:
- Này! Các chú thấy không, các cháu được ăn mặc đẹp, được đi học, cháu nào cũng vui vẻ, phấn khởi, Bác mừng cho các cháu.
Rồi giọng Bác bỗng trầm hẳn xuống:
- Lúc này Bác rất nhớ mẹ của Bác. Mẹ Bác rất thông minh, lại là con gái ông đồ nho. Thế mà mẹ Bác lại không được đến lớp, đến trường đâu các chú ạ. Cũng như phụ nữ ngày xưa, từ nhỏ mẹ Bác đã phải lo việc nhà.
Mọi người cùng đi không nén nổi cảm xúc trước tình cảm của Bác đối với mẹ là cụ Hoàng Thị Loan.
(Theo lời kể đồng chí Vũ Kỳ)
Đi làm ruộng với nông dân
Lần Bác về Hải Hưng tham gia chống hạn với nông dân, nghe tin Bác về, các đồng chí cán bộ tỉnh tổ chức đón Bác long trọng. Bác không hài lòng, phê bình ngay: “Bác về là đi chống hạn chứ có phải đi chơi đâu mà đón tiếp”. Bác ăn mặc như một lão nông thực sự. Người đi rất nhanh đến chỗ nhân dân đang đào mương, xắn quần, xắn áo xuống cùng đào đất với bà con, để lại phía sau các “quan cách mạng” trong những bộ quần áo bảnh bao đang đứng hổ thẹn trước dân chúng. Cuối cùng, tất cả cùng ào xuống đào đất với bà con theo gương Bác. Bác không nói, không hô hào, nhưng Người đã làm cuộc “cách mạng” cho “các quan” trước muôn dân. Bác ăn cơm cùng với mọi người tại nơi đang đào mương. Thấy người xới cơm, bát nào cũng vơi, Bác nói vui: “Chú xới cơm thế này thì công việc làm sao cho đầy được”. Bữa ăn có Bác vui hẳn lên. Bác hỏi chuyện: “Các chú có biết nấu nướng không?”. Mỗi người kể theo cách hiểu của mình. Bác thừa hiểu chẳng có ai ở nhà thực sự giúp vợ nấu ăn cả nên nghe nói nấu nướng sao thì kể vậy. Rồi Bác kể chuyện hồi xưa Bác làm phụ bếp thế nào nên biết nấu nướng, Bác nói nghề nấu ăn ai biết nấu là kể biết ngay, còn ai chỉ nghe hoặc nhìn thì không thể bịp được người khác, vì kỹ thuật nấu ăn quan trọng là chỗ này. Bác chỉ vào mũi, chứ không phải chỗ này - Bác chỉ vào mắt và tai. Bác nói tiếp: “Vì sao mọi người phải biết nấu ăn là vì vừa giúp được “cô ấy” có thời gian học tập và nuôi dạy con cái, vừa rèn luyện mình, chữa căn bệnh hão, bệnh sĩ, bệnh gia trưởng thâm căn cố đế, cho việc bếp núc là việc đàn bà...
Năm 1958, Bác về Nam Định dự Hội nghị “Bàn về sản xuất nông nghiệp”... Bác hỏi chị em phụ nữ ở đây có đội phân nữa không? Các đồng chí cán bộ tỉnh chưa dám báo cáo với Bác ngay, may có chị đại biểu nữ đỡ lời: “Thưa Bác, chị em ở đây không quen gánh nên cái gì cũng đội ạ” Bác dặn: “Nên tìm cách cải tiến vận chuyển bằng xe để đỡ cho chị em về lâu dài”.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bác Hồ trong trái tim phụ nữ Việt Nam (2007), NXB Phụ nữ
2. Bác Hồ sống mãi với chúng ta (2005), NXB Phụ nữ
3. Bác Hồ với sự tiến bộ của phụ nữ (2008), NXB Phụ nữ
4. Bác Hồ với phụ nữ Hà Nội (1985), NXB Hà Nội
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, NXB Chính trị Quốc gia
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, NXB Chính trị Quốc gia
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 16, NXB Chính trị Quốc gia
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20, NXB Chính trị Quốc gia
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, NXB Chính trị Quốc gia
10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, NXB Chính trị Quốc gia
11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, NXB Chính trị Quốc gia
12. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 39, NXB Chính trị Quốc gia
13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 43, NXB Chính trị Quốc gia
14. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 45, NXB Chính trị Quốc gia
15. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, NXB Chính trị Quốc gia
16. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 53, NXB Chính trị Quốc gia
17. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị Quốc gia
18. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị Quốc gia
19. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị Quốc gia
20. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia
21. Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia.
22. Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 2, NXB Chính trị Quốc gia.
23. Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia.
24. Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia.
25. Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị Quốc gia.
26. Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị Quốc gia.
27. Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia.
28. Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 8, NXB Chính trị Quốc gia.
29. Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 9, NXB Chính trị Quốc gia.
30. Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 10, NXB Chính trị Quốc gia.
31. Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 11, NXB Chính trị Quốc gia.
32. Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị Quốc gia.
33. Những kỷ niệm sâu sắc của phụ nữ Việt Nam với Bác Hồ (2005), NXB Phụ nữ
34. Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2007), NXB Chính trị Quốc gia
Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam